Hội thảo góp ý chuyên đề "Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới" In trang
26/10/2023 04:41 CH

 Sáng 18/10/2023, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội thảo góp ý đối với dự thảo báo cáo chuyên đề “Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới”. Các đồng chí: Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chủ trì Hội nghị.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa; Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; các đồng chí Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; gần 100 đại biểu đại diện ban, bộ, ngành Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí nguyên lãnh đạo bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Lâm Đồng, Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Định, Sơn La; thành viên Tổ Biên tập xây dựng báo cáo chuyên đề và đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị Ban Nội chính Trung ương.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh, qua 40 năm đổi mới, đặc biệt là trong 10 năm gần đây, từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, tạo bước tiến mới cả về nhận thức, lý luận, cả về công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo tổng kết 40 năm đổi mới, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội thảo góp ý kiến vào Báo cáo chuyên đề về tổng kết một số vấn đề về lý luận và thực tiễn về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới nhằm nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện báo cáo, làm cơ sở để tham mưu, đề xuất những nội dung về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương khai mạc Hội thảo
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương khai mạc Hội thảo

Đồng chí đề nghị các đại biểu dự Hội thảo trao đổi, góp ý thẳng thắn, ngắn gọn, tập trung luận giải rõ, sâu sắc, khoa học những vấn đề lý luận về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng qua 40 năm đổi mới. Nhất là, làm rõ những bước tiến mới, sáng tạo về nhận thức, tư duy lý luận của Đảng đối với công tác này; những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện lý luận về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta; Đây là vấn đề được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực rất quan tâm, nhiều lần chỉ đạo phải nghiên cứu, xây dựng cho được hệ thống lý luận về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam. Những thành tựu, kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm rút ra trong dự thảo báo cáo đã đầy đủ, toàn diện chưa? Những vấn đề đặt ra đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Nhất là, những vấn đề đặt ra qua xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, nghiêm trọng vừa qua. Vì sao, vừa qua chúng ta chống tham nhũng quyết liệt, xử lý nghiêm nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm, cả cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nhưng vẫn xẩy ra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, gây bức xúc trong dư luận? Tình trạng một bộ phận cán bộ né tránh, đùn đẩy, sợ sai, không dám làm; Về mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; Về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; kiểm soát tài sản toàn xã hội. Những yếu tố và giải pháp đột phá nào để đảm bảo sự đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp hướng tới mục tiêu “bốn không” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và những kinh nghiệm quốc tế có thể vận dụng vào thực tiễn của Việt Nam.

Tại Hội thảo, có 15 ý kiến phát biểu tham luận với tinh thần tâm huyết, trách nhiệm cao các ý kiến góp ý tập trung làm sâu sắc hơn nhiều nội dung trong Dự thảo báo cáo, như: Đánh giá thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay; nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung giải quyết để đạt được “bốn không” trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; những vấn đề đặt ra đối với công tác kỷ luật Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua 40 năm đổi mới, nhất là 10 năm gần đây; kiến nghị đề xuất công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực qua 40 năm đổi mới, nhất là 10 năm gần đây; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp; công tác thu hồi tài sản tham nhũng.

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương ghi nhận, đánh giá cao chất lượng các ý kiến tham luận tại Hội thảo, đồng thời tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý để làm cơ sở cho việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng Báo cáo chuyên đề. Đồng chí đề nghị, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn tiếp tục nghiên cứu và góp ý vào dự thảo Báo cáo chuyên đề “Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới”.

Theo Đặng Phước - Anh Hưng (Trang TTĐT BNCTW)

Lượt xem: 266