Toàn văn Quy định số 37-QĐ/TU ngày 22/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về công tác tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gửi đến Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh In trang
26/03/2024 10:12 SA

Ngày 22/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Quy định số 37-QĐ/TU về công tác tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn khiếu  nại,  tố cáo,  kiến  nghị, phản  ánh gửi đến Ban Thường  vụ Tỉnh ủy, Thường  trực  Tỉnh ủy,  Ban  Chỉ đạo  phòng,  chống  tham nhũng, tiêu cực tỉnh. Ban Nội chính Tỉnh ủy Lâm Đồng trân trọng gửi đến quy độc giả toàn văn Quy định này.

QUY ĐỊNH

Về công tác tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn khiếu  nại,  tố cáo,  kiến  nghị, phản  ánh gửi đến Ban Thường  vụ Tỉnh ủy,

Thường  trực  Tỉnh ủy,  Ban  Chỉ đạo  phòng,  chống  tham nhũng, tiêu cực tỉnh

 

- Căn cứ Điều lệ Đảng;

- Căn cứ Luật Khiếu nại, Luật Tốcáo và Luật Tiếp công dân;

- Căn cứ Quy định số 11 - QĐi/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân;

- Căn cứ Thông tư số 05/2021/TT - TTCP,  ngày 01/10/2021 của  Thanh  tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;

- Căn cứ Quy định số 137 - QĐ/TW, ngày 01/12/2023 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương;

- Căn cứ Quy  chế làm  việc  của  Ban  Chấp hành, Ban Thường  vụ và Thường trực Tỉnh ủy khoá XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025;

- Căn cứ Quyết định  số 686 - QĐ/TU, ngày 23/6/2022 của Ban Thường  vụ Tỉnh ủy về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh;

- Căn cứ Quy định số 32 - QĐ/TU, ngày 20/02/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy  về chức năng, nhiệm  vụ,  quyền hạn,  tổ chức  bộ máy  và  mối  quan  hệ công  tác của Ban Nội chính Tỉnh ủy;

- Xét đề nghị của Ban Nội chính Tỉnh ủy - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành quy định về công tác tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn khiếu  nại,  tố cáo,  kiến  nghị, phản  ánh (sau đây gọi  tắt là đơn) gửi đến Ban Thường  vụ Tỉnh ủy, Thường  trực  Tỉnh ủy,  Ban  Chỉ đạo  phòng,  chống  tham nhũng, tiêu cực tỉnh (Gọi tắt là Ban Chỉ đạo) như sau:

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về công tác tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn gửi đến Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo; việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, xác định trách nhiệm, quan hệ phối hợp, chế độ báo cáo việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn của tổ chức, cá nhân.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo, các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng, thành ủy, huyện ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc xử lý đơn.

Điều 3. Nguyên tắc chung

1. Việc tiếp nhận, xử lý đơn phải thực hiện theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước; đảm bảo khoa học, khách quan, chính xác, kịp thời, theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao.

2. Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm về việc chỉ đạo tiếp nhận, xử lý, gaiỉ quyết đơn theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước.

3. Thực hiện bảo mật thông tin, bảo đảm an toàn cho người tố cáo theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước. Mọi hành vi bao che tham nhũng, tiêu cực, lộ lọt thông tin, trả thù, trù dập người cung cấp thông tin liên quan đến tham nhũng, tiêu cực phải được đề xuất xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước.

CHƯƠNG II

TIẾP NHẬN, PHÂN LOẠI VÀ XỬ LÝ ĐƠN

Điều 4. Các nguồn đơn gửi đến Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo

1. Đơn gửi qua dịch vụ bưu chính.

2. Đơn nhận trực tiếp từ cá nhân, tổ chức.

3. Đơn nhận trực tiếp qua công tác tiếp công dân định kỳ của Bí thư Tỉnh ủy.

4. Đơn nhận trực tiếp qua công tác tiếp công dân thường xuyên của Ban Nội chính Tỉnh ủy (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo).

Điều 5. Tiếp nhận đơn

1. Đơn gửi đến Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo qua dịch vụ bưu chính và nhận trực tiếp từ cá nhân, tổ chức: Văn phòng Tỉnh ủy mở sổ tiếp nhận và trực tiếp bàn giao cho Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy nhận đơn, ký vào sổ giao nhận đơn và vào sổ đơn tại Ban Nội chính Tỉnh ủy theo quy định.

2. Đơn nhận trực tiếp qua công tác tiếp công dân định kỳ của Bí thư Tỉnh ủy và tiếp công dân thường xuyên của Ban Nội chính Tỉnh ủy: Ban Nội chính Tỉnh ủy có trách nhiệm tiếp nhận, có phiếu nhận đơn, vào sổ đơn, xử lý theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại buổi tiếp công dân định kỳ và các buổi tiếp dân thường xuyên tại trụ sở Ban Nội chính Tỉnh ủy.

Điều 6. Phân loại đơn

Việc phân loại đơn thực hiện theo quy định tại Điều 5, Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị; Điều 6, Chương I, Thông tư số 05/2021/TT-TTCP, ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ và các quy định của Đảng, Nhà nước có liên quan đến tiếp nhận, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Điều 7. Xử lý đơn

1. Việc xử lý đơn thực hiện theo quy định tại Chương III, Thông tư số 05/2021/TT-TTCP, ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ và các quy định của Đảng, Nhà nước có liên quan đến tiếp nhận, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

2. Ban Nội chính Tỉnh ủy xử lý đơn như sau:

2.1. Đối với đơn không đủ điều kiện xử lý theo quy định của Đảng, Nhà nước: Lưu đơn theo quy định.

2.2. Riêng đối với đơn không rõ nội dung, không có chứng cứ kèm theo: Lưu đơn theo quy định và thông báo lý do lưu đơn cho người gửi đơn biết.

2.3. Đối với đơn đủ điều kiện xử lý theo quy định:

- Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo, xử lý như sau:

+ Đơn thuộc lĩnh vực chế độ chính sách đối với cán bộ, đảng viên: Chuyển Ban Tổ chức Tỉnh ủy giải quyết hoặc tham mưu, đề xuất Thường trực Tỉnh ủy giải quyết.

+ Đơn thuộc lĩnh vực kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng: Chuyển Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy giải quyết hoạc tham mưu, đề xuất Thường trực giải quyết.

+ Đơn thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách Đảng: Chuyển Văn phòng Tỉnh ủy tham mưu, đề xuất Thường trực Tỉnh ủy giải quyết.

+ Đơn tố cáo các hành vi tham nhũng, tiêu cực và đơn phản ánh, kiến nghị thuộc lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giáo Ban Nội chính Tỉnh ủy – Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết và đôn đốc, theo dõi việc giải quyết; trường hợp cần thiết, Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức xác minh ban đầu và xây dựng báo cáo đề xuất Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo cho ý kiến chỉ đạo.

- Đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo: Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo ủy quyền cho Ban Nội chính Tỉnh ủy trực tiếp xử lý đơn chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định; đồng thời, theo dõi, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy kết quả xử lý.

- Đối với đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo nhưng liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, có nội dung quan trọng, vấn đề nhạy cảm, tiềm ẩn diễn biến phức tạp tại địa phương liên quan đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số, dư luận xã hội quan tâm hoặc qua nắm tình hình, Ban Nội chính Tỉnh ủy xét thấy cần thiết có ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy xác minh ban đầu và có văn bản báo cáo, đề xuất Thường trực Tỉnh ủy xem xét chỉ đạo.

Điều 8. Giải quyết đơn

1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong tỉnh khi nhận được đơn do Ban Nội chính Tỉnh ủy chuyển đến thuộc thẩm quyền giải quyết và đủ điều kiện giải quyết: Thủ trưởng các cơ quan được giao có trách nhiệm giải quyết đúng thời hạn, trình tự, thủ tục theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước và quy định của các tổ chức theo ngành dọc.

2. Đối với các đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo: Thủ trưởng các cơ quan được giao có trách nhiệm thụ lý, xác minh, kết luận rõ đúng, sai, đề xuất giải quyết, báo cáo cơ quan có thẩm quyền, bảo đảm đúng thời hạn, trình tự, thủ tục giải quyết theo quy định.

Điều 9. Thời hạn xử lý và giải quyết đơn

1. Thời hạn xử lý đơn:

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, vào sổ, Văn phòng Tỉnh ủy chuyển đơn cho Ban Nội chính Tỉnh ủy xử lý.

- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, Ban Nội chính Tỉnh ủy xử lý đơn theo quy định.

2. Thời hạn giải quyết đơn: Thực hiện theo quy định của pháp luật và các quy định của Đảng.

CHƯƠNG III

TRÁCH NHIỆM, QUAN HỆ PHỐI HỢP, VIỆC KIỂM TRA, ĐÔN ĐỐC VÀ CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

Điều 10. Trách nhiệm xử lý, giải quyết đơn, theo dõi đôn đốc việc giải quyết đơn và mối quan hệ phối hợp

1. Trách nhiệm của các ban tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy:

- Xác minh, giải quyết hoặc đề xuất, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo giải quyết các đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của mình.

- Thông báo cho Ban Nội chính Tỉnh ủy về kết quả giải quyết để tổng hợp, theo dõi và định kỳ báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Ban Nội chính Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

2. Trách nhiệm các cơ quan tiếp nhận giải quyết đơn theo thẩm quyền (do Ban Nội chính Tỉnh ủy chuyển đến):

- Giải quyết đơn đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước và của các cơ quan, tổ chức khác.

- Báo cáo kết quả giảiq uyết cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo (qua Ban Nội chính Tỉnh ủy).

3. Ban Nội chính Tỉnh ủy có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các đơn chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết, định kỳ báo cáo kết quả tiếp nhận, xử lý, giải quyết cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo; kiến nghị xử lý các cơ quan, tổ chức vi phạm và không thực hiện đúng quy định.

4. Văn phòng Tỉnh ủy có trách nhiệm bảo đảm kinh phí phục vụ công tác giải quyết đơn thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy.

5. Ban Nội chính Tỉnh ủy có trách nhiệm bảo đảm kinh phí phục vụ công tác giải quyết đơn thuộc thẩm quyền của Ban Chỉ đạo.

6. Việc phối hợp phải bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và Nhà nước.

Điều 11. Trách nhiệm kiểm tra, giám sát

1. Ban Nội chính Tỉnh ủy có trách nhiệm chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác tiếp nhận xử lý và giải quyết đơn.

2. Ban Nội chính Tỉnh ủy tham mưu, đề xuất kiến nghị với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo để chỉ đạo giải quyết những đơn phức tạp, kéo dài có khả năng ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương, những đơn đã được giải quyết nhưng có dấu hiệu vi phạm của các cơ quan, các cấp, các ngành trong quá trình giải quyết đơn, những đơn liên quan đến cán bộ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý hoặc dư luận xã hội quan tâm và đề xuất xem xét trách nhiệm tập thể, ca snhận có vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về công tác xử lý, giải quyết đơn.

Điều 12. Chế độ báo cáo

1. Định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất, Ban Nội chính Tỉnh ủy tổng hợp báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Ban Chỉ đảo về kết quả xử lý đơn trong tháng; định kỳ 6 tháng, hằng năm, báo cáo kết quả giải quyết những đơn kéo dài, phức tạp, có nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý và tham mưu đề xuất Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo.

2. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được giao xử lý, giải quyết có trách nhiệm xem xét, giải quyết đơn và trả lời công dân theo đúng quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo; đồng thời, báo cáo kết quả cho Thường trực Tỉnh ủy (qua Ban Nội chính Tỉnh ủy) để theo dõi, chỉ đạo xử lý theo quy định.

CHƯƠNG IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Tổ chức thực hiện

Các cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện Quy định này.

Điều 14. Hiệu lực thi hành và việc sửa đổi, bổ sung

1. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký, thay thế các quy định trước đây về tiếp nhận, xử lý, gaiỉ quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gửi đến Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc cần điều chỉnh, bổ sung, hoặc quy định mới của Đảng, pháp luật Nhà nước, các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Ban Chỉ đạo (qua Ban Nội chính Tỉnh ủy) xem xét, quyết định.

Lượt xem: 79
Liên quan