Toàn văn Kế hoạch số 14-KH/BNCTU, ngày 07/5/2024 của Ban Nội chính Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU, ngày 20/4/2024 của Ban thường vụ Tỉnh ủy In trang
07/05/2024 04:09 CH

Ngày 07/5/2024, Ban Nội chính Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch số 14-KH/BNCTU về triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU, ngày 20/4/2024 của Ban thường vụ Tỉnh ủy. Ban Nội chính Tỉnh ủy Lâm Đồng xin trân trọng gửi tới quý độc giả toàn văn nội dung của Kế hoạch này.

KẾ HOẠCH

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU, ngày 20/4/2024

của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

-----

 

Thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU, ngày 20/4/2024 và Kế hoạch số 117-KH/TU ngày 23/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy vềPhát huy tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của đội ngũ cán bộ, đảng viên, quyết tâm hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI; Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII”; Ban Nội chính Tỉnh uỷ xây dựng Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của tập thể lãnh đạo Ban, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan với quyết tâm chính trị cao trong tổ chức, triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của cơ quan có đủ phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, năng lực công tác, có tinh thần trách nhiệm cao, có tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, tạo động lực và quyết tâm cao trong thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị.

- Việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt, học tập phải thiết thực, hiệu quả, xem đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn cơ quan. Đề cao vai trò nêu gương, trách nhiệm thủ trưởng cơ quan trong tổ chức học tập, quán triệt và thực hiện Chỉ thị.

I. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHỈ THỊ

1. Nâng cao nhận thức của tập thể lãnh đạo Ban, nhất là người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động.

Tập thể lãnh đạo Ban tổ chức quán triệt, triển khai chỉ thị, nghị quyết của Đảng, đề cao vai trò, trách nhiệm tự nghiên cứu, tự học tập. Việc quán triệt, phổ biến và triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU, gắn với việc thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị và Chuyên đề năm 2024 của tỉnh.

Mỗi cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, bộ phận chuyên môn cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân. Tự giác trong việc rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức; nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực công tác, có khát vọng phát triển, sẵn sàng cống hiến, gánh vác và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công; có tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo trong mọi hoạt động lãnh đạo, quản lý, thực thi công vụ

2. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ, nâng cao hiệu quả quản lý của lãnh đạo cơ quan phát huy vai trò người đứng đầu trong tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị.

Chi bộ và tập thể lãnh đạo Ban không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan và công tác xây dựng Đảng, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm tiêu chí đánh giá cơ quan và cán bộ, công chức hằng năm. Đề cao trách nhiệm nêu gương của cấp ủy, người đứng đầu trong sinh hoạt đảng, sinh hoạt cơ quan; nghiêm túc khắc phục những hạn chế, tồn tại đã được chỉ ra trong kỳ kiểm điểm cuối năm 2023.

3. Thực hiện nghiêm phương châm “3 điều cần làm”, “4 điều cần tránh”.

Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức và người lao động thực hiện tốt phương châm:

* 3 điều cần làm là:

- Nói đi đôi với làm, làm điều đúng vì lợi ích chung.

Nói trúng, nói đúng, nói những vấn đề thiết thực, nói thẳng sự thật, thật tâm, không dối trá. Đã nói thì phải làm, không nói một đàng làm một nẻo, không được hứa mà không làm, đã làm thì phải làm đúng, không được làm sai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định, quy chế, nội quy của cơ quan. Làm vì lợi ích chung, việc gì có lợi cho Đảng, cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho Đảng, cho dân thì hết sức tránh.

- Làm hết trách nhiệm, quyết tâm cao, tư duy đổi mới.

Đã làm thì phải làm hết lòng, hết sức, không làm kiểu “đánh trống bỏ dùi”, làm với quyết tâm, quyết liệt, phải định tâm vào công việc mà làm, làm với tư duy đổi mới, sáng tạo, không theo thói quen cũ, tư duy “lối mòn”. Làm việc gì phải tư duy, nghiên cứu kỹ, đổi mới phương pháp làm việc, làm việc nào xong việc đó.

- Làm mang lại hiệu quả cao nhất, chất lượng tốt nhất.

Không ngừng suy nghĩ, đổi mới phương pháp, có biện pháp để có kết quả cao nhất, chất lượng tốt nhất, thời gian nhanh nhất, đã tốt rồi thì phải phấn đấu làm tốt hơn nữa. Trước khi làm phải có sự chuẩn bị chu đáo, có kế hoạch, lộ trình khoa học, rõ đích đến, rõ kết quả.

* 4 điều cần tránh là:

- Tránh làm sai, làm trái, tư lợi cá nhân.

Mỗi cán bộ, đảng viên trong quá trình làm việc, công tác, sinh hoạt phải phân biệt được đúng - sai, phải - trái, tốt - xấu, nên - không nên để tránh làm sai, tránh làm trái, tránh làm xấu. Luôn đặt lợi ích tập thể, lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân, tránh vì lợi ích cá nhân mà cố tình làm sai. Luôn luôn ý thức việc tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm, tư lợi cá nhân là việc xấu, việc vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước để tránh, để đấu tranh, loại bỏ.

- Tránh đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.

Phải nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức với nhiệm vụ được giao để làm việc hiệu quả, không được đùn đẩy cho người khác, không được né tránh việc khó, việc phức tạp để nhận việc dễ, việc đơn giản để làm. Luôn đặt lợi ích chung lên hàng đầu để làm việc, khi đã làm thì không sợ trách nhiệm, coi trách nhiệm là động lực thúc đẩy sự phát triển của bản thân.

- Tránh làm việc qua loa, đại khái, không mang lại hiệu quả.

Trong công tác phải lấy chất lượng, hiệu quả công việc làm thước đo sự phát triển và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên. Khi làm việc gì phải quyết tâm làm thật hiệu quả, không được làm qua loa, đại khái, làm cho xong và làm còn có lãnh đạo cấp trên sửa nữa. Cần kiến nghị loại bỏ những cán bộ đến cơ quan ngày đủ 08 tiếng, còn chất lượng công việc không quan tâm.

- Tránh an phận thủ thường, dĩ hòa vi quý.

Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong thực thi công vụ của mỗi cán bộ đảng viên, tránh tâm lý: An phận, thủ thường; không làm, không sai; tư duy nhiệm kỳ; ngại va chạm, sợ sai, sợ đụng chạm; thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám dấu tranh; dĩ hòa vi quý, không để mất lòng ai.

Chi bộ lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa phương châm “3 điều cần làm”, “4 điều cần tránh” vào nội quy, quy chế làm việc phù hợp với đặc điểm, tình hình và chức năng, nhiệm vụ của chi bộ và cơ quan.

4. Phát huy vai trò của cơ quan, đoàn thể trong tổ chức các phong trào thi đua

Tập thể lãnh đạo Ban và công đoàn phát động phong trào thi đua thực hiện tốt phương châm “3 điều cần làm”, “4 điều cần tránh” gắn với các phong trào thi đua yêu nước. Lấy kết quả thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU làm tiêu chí đánh giá, xếp loại hằng năm.

Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan phù hợp với quy định pháp luật, Điều lệ của công đoàn.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

- Người đứng đầu trực tiếp quán triệt nội dung Chỉ thị số 34-CT/TU và kế hoạch của Tỉnh uỷ đến toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động cơ quan (thời gian hoàn thành trong tháng 5/2024) đồng thời đưa nội dung Chỉ thị, đặc biệt là phương châm “3 điều cần làm”, “4 điều cần tránh” vào các buổi họp cơ quan để thảo luận, bàn các giải pháp thực hiện trong thực thi nhiệm vụ.

- Trưởng Ban chỉ đạo bổ sung, sửa đổi nội quy, quy chế làm việc hoạt động theo hướng đề cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ với quyết tâm chính trị cao nhất. Thường xuyên đôn đốc, theo dõi và kiểm tra, giám sát việc thực hiện của cán bộ, công chức, người lao động.

- Phát động nội dung thi đua thực hiện tốt phương châm “3 điều cần làm”, “4 điều cần tránh” trong cán bộ, công chức, người lao động và đoàn viên công đoàn gắn với phong trào thi đua chung của cơ quan, chi bộ. Thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, ghi nhận và biểu dương, nhân rộng gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua.

Lãnh đạo Ban, các phòng chuyên môn và cán bộ công chức có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch này. Giao Phòng Tiếp dân, xử lý đơn thư theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện.

Lượt xem: 369
Liên quan