Hoàng Sa - phần lãnh thổ thiêng liêng không tách rời của đất nước luôn khắc khoải trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam. Trong dòng chảy lịch sử dân tộc, Hoàng Sa được định vị như một bản hùng ca của công cuộc khai chiếm, mở mang bờ cõi mà các bậc tiền nhân đã thực hiện trên Biển Đông. Không những thế, hai tiếng Hoàng Sa còn in đậm trong tâm thức của bao thế hệ người Việt, như một sự nối tiếp để khắc ghi đối với phần lãnh thổ máu thịt mà bao thế hệ cha ông đã dày công xác lập, gìn giữ và để nhắc nhở thế hệ hôm nay kiên định, kiên trì trong công cuộc đấu tranh khẳng định và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.
Khẳng định tính chính danh, hợp pháp về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa
Việt Nam là quốc gia duy nhất đã xác lập chủ quyền hợp pháp và thực hiện quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa, ít nhất là từ thế kỷ XVII. Sự chiếm hữu và thực thi chủ quyền đó đã được rất nhiều tư liệu, sách cổ, văn bản quản lý của nhà nước, bản đồ qua các thời kỳ của Việt Nam thể hiện và rất nhiều tài liệu, tư liệu, bản đồ có nguồn gốc từ nước ngoài minh chứng.
Khởi đầu cho sự tranh chấp với Trung Quốc liên quan đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bắt đầu bằng sự kiện “Ngày 6/6/1909, Phó vương Lưỡng Quảng sai thủy sư đô đốc Lý Chuẩn đem hai pháo hạm loại nhỏ ra một số đảo ở quần đảo Hoàng Sa bắn súng, kéo cờ trong vòng 24 giờ rồi rút về đất liền” Từ đây, Trung Quốc bắt đầu có những hành động tuyên bố và đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. “Đầu năm 1974, lợi dụng Mỹ suy yếu, ngụy rối ren, Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay chính quyền Sài Gòn ở Biển Đông”. Kể từ đó đến nay, Hoàng Sa - quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam đang nằm dưới sự chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Quốc.
Bản đồ Việt Nam trong đó có quần đảo Hoàng Sa trong Đại Nam nhất thống toàn đồ của tác giả Phan Huy Chú (1834). Nguồn: Tạp chí Phương Đông
Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (4-1975), Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiếp tục thực hiện quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa. Việc khẳng định chủ quyền hợp pháp, không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa đã được Nhà nước Việt Nam thực hiện và củng cố thông qua các Tuyên bố cũng như ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến biên giới biển, đảo. Ngày 12/5/1977, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Bản Tuyên bố đã góp phần “Khẳng định chủ quyền của nước ta trong phần biển của Việt Nam trong Biển Đông, trong đó có hai quần đảo chiến lược Hoàng Sa và Trường Sa, chúng ta không phải chỉ bảo vệ những quyền lợi hợp pháp và chính đáng của nước ta mà còn góp phần thiết thực chặn đứng mưu đồ bành trướng trên biển của Bắc Kinh vì lợi ích của hòa bình, ổn định của khu vực Đông Nam Á”
Ngày 12/11/1982, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Tuyên bố về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam. Ngày 23/6/1994, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị quyết Về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Tại điểm 4, Nghị quyết nhấn mạnh: “Quốc hội một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các bất đồng khác liên quan đến Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình”.
Một bản khắc mộc bản về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Ảnh: Internet.
Ngày 17/6/2023, Quốc hội thông qua Luật Biên giới quốc gia. Tại Điều 1 xác định: “Biên giới quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đường và mặt thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”
Đặc biệt, ngày 21/6/2912, Quốc hội đã thông qua Luật số 18/2012/QH13 - Luật Biển Việt Nam. Với việc thông qua Luật này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, đặc biệt đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: “Luật này quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo". Quy định này của Luật Biển Việt Nam là sự tiếp nối các quy định đã có trong các Tuyên bố năm 1977, 1982 của Chính phủ, Điều 1 Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 và Luật Biên giới quốc gia năm 2003. Quy định này nhằm nhấn mạnh hơn nữa sự gắn bó không thể tách rời của bộ phận lãnh thổ đảo với chỉnh thể lãnh thổ đất nước thống nhất, khẳng định chủ quyền đầy đủ, toàn vẹn của Nhà nước ta đối với các đảo, quần đảo, đặc biệt đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bác bỏ, phản đối mọi Tuyên bố chủ quyền và hành động xâm phạm quần đảo Hoàng Sa từ phía Trung Quốc
Sau khi cưỡng chiếm bất hợp pháp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục thực hiện những hành động phi pháp nhằm “hợp pháp hóa” yêu sách chủ quyền. Đầu tiên, Trung Quốc công bố các văn kiện, tài liệu nhằm “khẳng định” chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như cố “chứng minh” rằng Việt Nam đã “thừa nhận” chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Những năm gần đây, Trung Quốc ngang nhiên thành lập các đơn vị hành chính để thực hiện “quản lý” đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Mặt khác, Trung Quốc liên tục bồi đắp, cải tạo các đảo đã chiếm đóng trên quần đảo Hoàng Sa thành các căn cứ quân sự; mở các hoạt động du lịch trái phép trên quần đảo Hoàng Sa; tiến hành tập trận trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa; tiến hành các hoạt động nghiên cứu và đặt tên cho các thực thể địa lý trên quần đảo Hoàng Sa; dùng vũ lực xua đuổi ngư dân Việt Nam khai thác hải sản hợp pháp trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa.
Tập Atlas Thế giới của nhà địa lý học kiệt xuất người Bỉ Philippe Vandermaelen (1795 - 1869), thành viên Hội địa lý Paris, được xuất bản năm 1827 khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Ảnh: Internet.
Trước những hành động xuyên tạc và xâm phạm chủ quyền quần đảo Hoàng Sa từ phía Trung Quốc, Việt Nam đều nhất quán lên tiếng phản đối và đấu tranh bằng các cấp độ, biện pháp phù hợp. Ngày 15/3/1979, “Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố Bị Vong Lục về vấn đề biên giới Việt - Trung. Điểm 9 của Bị Vong Lục đã tố cáo việc Trung Quốc đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào tháng 1 năm 1974”. Vào năm 1979, 1981 và 1988, Bộ Ngoại giao nước ta đã công bố ba cuốn Sách Trắng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các tài liệu này đã minh chứng hết sức rõ ràng chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo cả về phương diện lịch sử, pháp lý lẫn thực tiễn; đồng thời bác bỏ các lập luận từ phía Trung Quốc về cái gọi là “chủ quyền lịch sử”, xem quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam “là lãnh thổ Trung Quốc từ thời cổ”.
Tại nhiều diễn đàn, hội nghị quốc tế, Việt Nam luôn đấu tranh việc Trung Quốc lợi dụng các diễn đàn để tuyên truyền về cái gọi là chủ quyền của Bắc Kinh đối với Hoàng Sa, Trường Sa; đồng thời khẳng định Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý về chủ quyền đối với hai quần đảo này theo luật pháp quốc tế. Điển hình như tháng 6/1980, “tại Hội nghị khí tượng khu vực Châu Á họp tại Giơ-ne-vơ, đại biểu Việt Nam tuyên bố trạm khí tượng của Trung Quốc tại Sanhudao (đảo Hoàng Sa của Việt Nam) là bất hợp pháp. Kết quả là trạm Hoàng Sa của Việt Nam vẫn được giữ nguyên trạng trong danh sách các trạm như cũ”.
Khi Trung Quốc công khai yêu sách chủ quyền phi pháp bằng việc cho lưu hành bản đồ có vẽ “đường lưỡi bò” tại Liên Hợp quốc vào tháng 5/2009, (chiếm 80% diện tích Biển Đông và xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cũng như chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa), Việt Nam đã chính thức gửi Công hàm cho Liên Hợp quốc để lưu hành cho các quốc gia thành viên và phản đối mạnh mẽ hành vi xâm phạm của Trung Quốc. Đồng thời, Việt Nam cũng đã nộp và trình bày tại Ủy ban Thềm lục địa của Liên Hợp quốc các Báo cáo quốc gia xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa Việt Nam. “Quan điểm pháp lý cơ bản trong Báo cáo quốc gia của Việt Nam là khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”cũng như các quyền và lợi ích khác trên Biển Đông, phù hợp với Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Trước việc Trung Quốc có hành động thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” nhằm hợp thức hóa việc quản lý đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp phản đối mạnh mẽ như: “Bộ ngoại giao đã gửi công hàm phản đối (ngày 24 tháng 6 năm 2012); người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa và nhiều tổ chức xã hội nghề nghiệp của nhân dân Việt Nam đã có những Tuyên bố phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ các quyết định phi pháp này”. Cùng với đó, Việt Nam luôn chủ động theo dõi, nắm bắt mọi diễn tiến sự việc liên quan đến quần đảo Hoàng Sa; kiên quyết và kịp thời phản đối dưới nhiều hình thức (trao Công hàm, phát biểu của người phát ngôn, giao thiệp dưới nhiều cấp độ) đối với các hành vi xâm phạm từ phía Trung Quốc. Điều này tiếp tục khẳng định một sự thật rằng Việt Nam vẫn luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và sự chiếm đoạt bằng vũ lực sẽ không bao giờ mang lại “chủ quyền” cũng như sự công nhận của quốc tế đối với Trung Quốc.
Theo thinhvuongvietnam.com