Những nhiệm vụ trọng tâm về công tác cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2024 In trang
09/01/2024 03:12 CH

Năm 2024, Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược Cải cách tư pháp tỉnh Lâm Đồng (Ban Chỉ đạo) phải thực hiện những nhiệm vụ nào? Đó là những kết luận của đồng chí Trần Đình Văn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh Lâm Đồng, Trưởng Ban Chỉ đạo tại Hội nghị đánh giá kết quả công tác năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Ban Chỉ đạo. Qua đó, đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu tăng cường tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể sau:

Quang cảnh Hội nghị đánh giá kết quả công tác cải cách tư pháp năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Quang cảnh Hội nghị đánh giá kết quả công tác cải cách tư pháp năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

1. Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh liên quan đến công tác cải cách tư pháp, nhất là Kết luận số 84-KL/TW của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 08-KH/BCĐCCTPTW của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Kế hoạch số 13-KH/TU ngày 23/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 84-KL/TW, Chương trình hành động số 51-CTr/TU, ngày 10/3/2023 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW; thực hiện nghiêm Quy định số 131-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Quy định số 132-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và các chỉ đạo của Trung ương về cải cách tư pháp.

Đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng kết luận Hội nghị
Đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng kết luận Hội nghị

2. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tập trung phổ biến các văn bản pháp luật mới, các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự và ma túy. Chú trọng đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội bằng các vụ việc, tình huống cụ thể để tuyên truyền đến người dân biết, chấp hành tốt các quy định của pháp luật.

3. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp; đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình, thời gian, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, hạn chế tối đa tình trạng án bị hủy do nguyên nhân chủ quan. Tiếp tục nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, tăng cường các phiên tòa trực tuyến nhằm nâng cao chất lượng, trách nhiệm trong công tác xét xử của Tòa án. Nâng cao trách nhiệm và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong lĩnh vực tư pháp.

4. Khẩn trương hoàn thành Đề án về giám định tư pháp để triển khai thực hiện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát hiện, xử lý, giải quyết các vụ án, vụ việc trên địa bàn tỉnh đảm bảo kịp thời, hiệu quả. Công tác trưng cầu, giám định tư pháp phải thực hiện theo Luật Giám định tư pháp. Cần phải phối hợp tốt giữa cơ quan trưng cầu giám định và cơ quan giám định, đảm bảo đúng chức năng, nhiệm vụ, thời gian hợp lý; trường hợp các nội dung giám định, liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn, thuộc trách nhiệm của nhiều tổ chức thì người trưng cầu giám định phải xác định được nội dung chính cần giám định để xác định tổ chức chủ trì và tổ chức phối hợp trong việc thực hiện giám định. Xác định công tác giám định tư pháp là nhiệm vụ chính trị quan trọng, phải thực hiện nghiêm túc, chất lượng, đúng hạn; làm tốt công tác này sẽ đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc.

5. Phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với hoạt động tư pháp. Tăng cường hoạt động giám sát trực tiếp, chuyên đề việc chấp hành và thi hành pháp luật của các cơ quan tư pháp, trách nhiệm của người đứng đầu.

6. Chú trọng công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng trong các cơ quan tư pháp; đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tư pháp. Làm tốt công tác giáo dục, đào tạo lý luận chính trị, đạo đức, trách nhiệm, chuyên môn nghiệp vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp theo chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh. Chú trọng công tác đánh giá, quy hoạch, phân công, bố trí cán bộ tư pháp hợp lý, hiệu quả.

7. Chỉ đạo đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định số 131-QĐ/TW và Quy định số 132-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Chú trọng hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra nghiệp vụ trong nội bộ các ngành. Thực hiện có hiệu quả công tác giám sát việc chấp hành pháp luật trong hoạt động tư pháp của HĐND các cấp thông qua triển khai các đoàn giám sát chuyên đề, tiếp công dân, xử lý đơn thư, chất vấn tại các kỳ họp.

8. Tiếp tục rà soát, đề nghị các bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, trụ sở làm việc, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại phục vụ có hiệu quả hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và công tác giám định tư pháp.

Trần Văn – Phòng Theo dõi công tác Nội chính

Lượt xem: 50