Kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng, lãng phí” In trang
08/05/2023 09:10 SA

         Đảng ta luôn quan tâm và xác định phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài, đồng thời tích cực vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc đấu tranh khó khăn, phức tạp này. Nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy, tôi xin trao đổi với các đồng chí một số nội dung về quan điểm, tư tưởng của Người trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí.

         

cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư
cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư

         Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc rèn luyện đội ngũ cán bộ cách mạng liêm chính, chí công vô tư. Người sớm nhận rõ được mối nguy hại của các “bệnh” dễ mắc phải của cán bộ có chức, có quyền là quan liêu, tham ô, lãng phí. Người vạch rõ nguồn gốc, bản chất, các hình thức biểu hiện, các phương pháp phòng, chống tham ô, tham nhũng và lãng phí. Trong tác phẩm “Cần, kiệm, liêm, chính” viết năm 1949, Người đưa ra quan niệm về tham nhũng thông qua chữ “liêm”: “Liêm là trong sạch, không tham lam”, Người chỉ ra một số biểu hiện của bệnh tham ô là: “Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên; Người cán bộ cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của chính phủ”, đồng thời Người lên án những biểu hiện tha hóa quyền lực, coi tham ô là kẻ thù nguy hiểm nhất, hành động xấu xa nhất, tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội. Giải thích về tham ô, lãng phí, đó là “Ăn cắp của công làm của tư. Đục khoét của nhân dân. Ăn bớt của bộ đội”, thậm chí “tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình cũng là tham ô”.

Người chỉ rõ: “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng”, nó “ngấm ngầm ngăn trở, ngấm ngầm phá hoại sự nghiệp xây dựng của cách mạng”; việc chống loại kẻ địch này rất khó khăn, phức tạp. Theo Người, biện pháp quan trọng hàng đầu để đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí chính là giáo dục tư tưởng cho quần chúng. Người nói: “làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng trăm, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”. Người nhắc nhở “Cán bộ, đảng viên không được nể nang, không sợ trù dập để kiên quyết chống lại tệ tham nhũng”, “Đối với quần chúng Nhân dân tăng cường vai trò giám sát của mình thông qua các hình thức”. Chính sự phản ánh của quần chúng Nhân dân là một trong các cơ sở để cơ quan có thẩm quyền vào cuộc thanh tra, kiểm tra. Muốn chống tham nhũng, phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân với tất cả các biện pháp, trong đó “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm”.

Bác Hồ ân cần thăm hỏi nhân dân xã Tân Phong - Bình Xuyên - Vĩnh Phúc trong chuyến về thăm 12-2-1956. Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ ân cần thăm hỏi nhân dân xã Tân Phong - Bình Xuyên - Vĩnh Phúc trong chuyến về thăm 12-2-1956. Ảnh: Tư liệu

Từ quan điểm chỉ đạo trên, ngày 05/9/1950 tại Chiến khu Việt Bắc diễn ra một phiên tòa đặc biệt gây chấn động dư luận xã hội lúc bấy giờ. Đó là vụ án Trần Dụ Châu, nguyên Đại tá - Giám đốc Nha Quân nhu can tội ăn cắp công quỹ. Tại phiên toà, trước những chứng cứ đanh thép, Trần Dụ Châu đã phải cúi đầu nhận tội. Kết thúc phiên tòa, Trần Dụ Châu bị tuyên phạt với mức án cao nhất là tử hình. Bản án đã nhanh chóng được báo cáo lên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi cân nhắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bác đơn xin giảm tội của Trần Dụ Châu. Quyết định của Bác thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và đã được nhân dân đồng lòng ủng hộ. Điều đó cũng cho thấy sự nghiêm minh và quyết tâm của Đảng, Chính phủ và Bác Hồ trong việc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.

Quán triệt và vận dụng tư tưởng của Người, trong từng thời kỳ cách mạng, Đảng ta đã xác định quan điểm, chủ trương và đề ra những giải pháp cơ bản, có tính chiến lược về phòng, chống tham nhũng phù hợp với thực tiễn. Đi đôi với việc tập trung chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng được chú trọng đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể, không dám, không muốn và không cần tham nhũng. Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành trực thuộc đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp, quy định mới ngày càng quyết liệt về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, hoàn thiện thể chế về kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Năm 2012, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ra đời; năm 2022 thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là một bước tiến dài trong công tác phòng chống tham nhũng, thể hiện quyết tâm của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị trong công tác đặc biệt này.

Chỉ trong 10 năm, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng; Quốc hội ban hành hơn 300 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hơn 2.600 nghị định, quyết định, chỉ thị; cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương ban hành hơn 45.000 văn bản; các bộ, ngành, địa phương ban hành gần 100.000 văn bản để cụ thể hoá, hướng dẫn thi hành, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để kịp thời thể chế hóa và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về quản lý kinh tế-xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả.

Công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng thu được nhiều kết quả. Cấp ủy, UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168 ngàn đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang bị kỷ luật. Thu hồi tài sản tham nhũng đạt 61 nghìn tỷ đồng. Riêng các vụ án thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50 nghìn tỷ đồng.

Đây là những con số tuy “đau xót” nhưng cũng đáng mừng, bởi công tác phòng chống tham nhũng không còn nằm trên giấy tờ, không chỉ nằm trong lời nói, mà thực sự đi vào cuộc sống, thể hiện quyết tâm “cắt bỏ những khối ung nhọt” bấy lâu vẫn làm suy yếu Đảng, củng cố và làm vững chắc niềm tin của Nhân dân.

Song, đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một nhiệm vụ vốn đã không hề đơn giản trước đây, thì nay lại càng khó khăn bởi các hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Điều đáng làm cho chúng ta phải lo lắng, suy nghĩ là tham nhũng len lỏi ở khắp mọi nơi; không chỉ ở cán bộ, đảng viên cấp thấp, mà nó đã vào một số cán bộ cấp cao, vào những ngành, nghề mà xưa nay nhân dân ta rất kính trọng như giáo dục, y tế; không chỉ ở khu vực công mà cả ở khu vực tư… gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Muốn đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng có hiệu quả đòi hỏi phải sử dụng những giải pháp đồng bộ cả về nhận thức tư tưởng và tổ chức, luật pháp và chính sách; các giải pháp vừa có tính chiến đấu cao, vừa khoa học, vừa kiên quyết và mạnh mẽ.

Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, trong thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn được BTV, TTTU quan tâm chỉ đạo, với sự vào cuộc, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành trong tỉnh, sự cố gắng của các cơ quan chức năng, các tổ chức, đoàn thể, cơ quan truyền thông, báo chí và vai trò quan trọng của quần chúng, nhân dân nên công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động.

tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức Ban Nội chính Tỉnh ủy Lâm Đồng năm 2023
tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức Ban Nội chính Tỉnh ủy Lâm Đồng năm 2023

Cán bộ, công chức cơ bản giữ vững phẩm chất, đạo đức, tự giác rèn luyện, có ý thức phục vụ nhân dân, được nhân dân tin tưởng, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, ổn định và phát triển kinh tế, xã hội, củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh; tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế.

Từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 74 vụ/96 trường hợp có dấu hiệu tham nhũng, trong đó: xử lý kỷ luật, xử lý hành chính 45 vụ/63 trường hợp, xử lý hình sự 29 vụ/33 trường hợp; Tổng giá trị sai phạm tham nhũng làm tròn là 20,9 tỷ đồng, đã thu hồi 15,2 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 72,6%), đang tiếp tục thu hồi 5,7 tỷ đồng.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, ngày 23/6/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 686-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh. Sau khi được thành lập, Ban Chỉ đạo đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương; đã xây dựng, ban hành các quy trình, quy chế, quy định để thực hiện; đưa 10 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo xử lý, đến nay đã chỉ đạo giải quyết xong 04 vụ án, vụ việc; chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra để phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Cụ thể, trong 02 năm 2022 và 2023 tổ chức 17 Đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh trong công tác PCTN, đến nay đã triển khai xong 10 đoàn, năm 2023 tiếp tục thực hiện 07 đoàn còn lại.

Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo đã phát huy vai trò tham mưu, thực hiện hoàn thành nhiều công việc quan trọng, … qua đó nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần tạo chuyển biến rõ nét công tác này ở các địa phương.

Với sự quan tâm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, quyết tâm chính trị của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh, của tất cả CBCC và sự đồng lòng hậu thuẫn của quần chúng nhân dân, tin tưởng rằng trong thời gian tới công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực, đáp ứng yêu cầu công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, tạo niềm tin của Nhân dân trong tỉnh vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển KTXH của địa phương.

Phòng Theo dõi công tác nội chính

Lượt xem: 206