Thường trực Ban Bí thư: Đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng In trang
05/01/2023 09:49 SA

Sáng 4-1, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành Nội chính Đảng.

Lựa chọn khâu yếu, việc khó để kiểm tra, giám sát

Ông Võ Văn Thưởng đánh giá năm 2022, ngành Nội chính đã thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất nhiều chủ trương, quy định quan trọng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng. Ảnh: CTV
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng. Ảnh: CTV

Đáng chú ý, Ban Nội chính Trung ương đã chủ trì, phối hợp tham mưu cho Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới; chủ trương về thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh; tham mưu cho Bộ Chính trị Quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án...

Ngành Nội chính cũng đã tích cực, chủ động tham mưu cho các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, tạo bước chuyển biến mới trong công tác này.

Thường trực Ban Bí thư ghi nhận ngành đã kịp thời tham mưu đưa nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo. Đồng thời tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc, đảm bảo tiến độ, yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương, được dư luận, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. (Năm 2022 đã kết thúc 32 vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, hoàn thành xét xử sơ thẩm 14 vụ án. Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy đã tham mưu chỉ đạo xử lý dứt điểm 223 vụ việc, vụ án thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy theo dõi chỉ đạo.Trong năm, các ban nội chính địa phương đã phối hợp các cơ quan chức năng tham mưu xử lý gần 300 vụ việc phức tạp về an ninh trật tự tại địa phương; tham mưu tổ chức gần 900 cuộc tiếp, đối thoại với công dân; chủ trì, tham gia gần 3.000 cuộc tiếp công dân, trong đó có gần 760 đoàn khiếu kiện đông người).

Cũng theo Thường trực Ban Bí thư, năm qua, ngành Nội chính đã tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. Đặc biệt là lựa chọn những khâu yếu, việc khó, phức tạp, những lĩnh vực trọng tâm để kiểm tra, giám sát...

Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy đã tham mưu, giúp tỉnh ủy, thành ủy tổ chức kiểm tra, giám sát và trực tiếp tiến hành hàng trăm cuộc kiểm tra, giám sát; tham mưu, thực hiện rà soát hàng nghìn kết luận thanh tra kinh tế - xã hội.

Ngành Nội chính cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, nhất là các cơ quan trong khối nội chính tham mưu chỉ đạo xử lý kịp thời những vụ, việc liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; xử lý các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài...

“Nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, phức tạp, khiếu kiện đông người được chỉ đạo giải quyết dứt điểm, góp phần bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội”- Thường trực Ban Bí thư nói.

Các ban nội chính địa phương cũng đã khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt đã rà soát, đưa vào diện Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo, xử lý trên 400 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp ở địa phương.

“Sau gần 10 năm tái lập và hoạt động, vị thế, vai trò của ngành Nội chính Đảng ngày càng được khẳng định và nâng cao”- Thường trực Ban Bí thư đánh giá cao và biểu dương những thành tích mà ngành Nội chính Đảng đã đạt được trong năm qua.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thường trực Ban Bí thư cho rằng hoạt động của ngành Nội chính Đảng vẫn còn một số hạn chế. Ông Thưởng nhắc tới tính chủ động, chất lượng tham mưu chỉ đạo xử lý các vấn đề, vụ việc phức tạp, nhạy cảm về an ninh, trật tự có mặt chưa đáp ứng yêu cầu. Đáng chú ý, hiệu quả tham mưu phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực của Ban Nội chính một số địa phương còn thấp...

Đề xuất cơ chế bảo vệ các cán bộ tư pháp thực thi nhiệm vụ

Nói về nhiệm vụ năm 2023, Thường trực Ban Bí thư lưu ý ngành Nội chính Đảng cần chủ động, tích cực nghiên cứu, tham mưu với Đảng các chủ trương, định hướng lớn về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; tập trung tham mưu tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, quy định đã ban hành.

Ngành Nội chính Đảng tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2023. Ảnh: CTV
Ngành Nội chính Đảng tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2023. Ảnh: CTV

Ông Võ Văn Thưởng “nhắc” ngành Nội chính hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và hai Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Cải cách tư pháp, nhất là nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng.

Cạnh đó là việc tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 33 của Bộ Chính trị về kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản; nghiên cứu, đề xuất cơ chế bảo vệ cán bộ các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong quá trình thực thi nhiệm vụ...

Ngoài ra, Thường trực Ban Bí thư đề nghị ngành Nội chính tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ban Nội chính Trung ương cần tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để tham mưu xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Ông Thưởng nhắc lại chỉ đạo của Tổng Bí thư là: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào”.

Thường trực Ban Bí thư cũng đề nghị ngành tập trung tham mưu chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc liên quan đến công ty Việt Á, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, AIC, Vạn Thịnh Phát...

Cùng với việc tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, ông Võ Văn Thưởng cho rằng phải hết sức coi trọng, chủ động hơn nữa trong công tác phòng ngừa sai phạm.

“Chú trọng kiểm tra, giám sát các lĩnh vực nhạy cảm, hoạt động khép kín, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực”- ông Thưởng nhấn mạnh cần kịp thời phát hiện, nhắc nhở cán bộ, đảng viên tránh vi phạm, khuyết điểm từ sớm, không để tích tụ khuyết điểm, vi phạm nhỏ thành khuyết điểm, vi phạm lớn, dẫn đến vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật.

Ngoài ra, Thường trực Ban Bí thư cũng đề nghị ngành tiếp tục quan tâm, chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Nội chính Đảng “có bản lĩnh, dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với cái sai”, đặc biệt, phải thật sự liêm chính (Năm 2022, các bộ, ngành đã chuyển 498 vụ việc; địa phương đã chuyển 181 vụ việc có dấu hiệu tội phạm phát hiện trong quá trình kiểm tra, thanh tra đến cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật, tăng hơn 2 lần so với năm 2021. Trong năm, cơ quan chức năng đã thu hồi được hơn 27.400 tỉ đồng, tăng 18.000 tỉ đồng so với năm 2021).

Theo Trang TTĐT Báo pháp luật

 

Lượt xem: 137