Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xét xử In trang
22/12/2022 11:00 SA

Sáng 22/12, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) tổ chức Hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2023. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu Trung tâm tại trụ sở TANDTC đến gần 800 điểm cầu ở các TAND cấp tỉnh, cấp huyện và Tòa án Quân sự cấp quân khu, cấp khu vực trong toàn hệ thống.

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án TANDTC dự và phát chỉ đạo tại Hội nghị.

Cùng dự có lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương và địa phương.

Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: TH.
Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: TH.

Vượt nhiều chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ được giao

Trình bày báo cáo kết quả công tác năm 2022, Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng cho biết: Năm 2022, mặc dù số lượng các loại vụ việc mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết gia tăng (tăng gần 6% so với năm trước) với tính chất đa dạng, phức tạp và phải triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình an ninh chính trị, kinh tế, xã hội có nhiều biến động khó lường, chịu tác động sâu sắc của đại dịch COVID- 19 nhưng Ban cán sự đảng, lãnh đạo TANDTC đã kịp thời ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá nên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quốc hội giao và đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Theo đó, số lượng, chất lượng, hiệu quả giải quyết, xét xử các loại vụ việc tiếp tục nâng lên, đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu đề ra.

Các Tòa án đã thụ lý 567.521 vụ việc, đã giải quyết được 504.681 vụ việc (đạt tỷ lệ 88,9%; cao hơn năm trước 7,7%). So với năm 2021, số vụ việc đã thụ lý tăng 29.944 vụ; đã giải quyết tăng 68.021 vụ. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,9%, đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội và Tòa án đề ra (không quá 1,5%).

Về các vụ án hình sự, bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội.

 Hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2023. Ảnh: TH.
Hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2023. Ảnh: TH.

Công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật tố tụng. Các Tòa án đã phối hợp với Viện Kiểm sát cùng cấp tổ chức 8.322 phiên tòa rút kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đạt và vượt yêu cầu Nghị quyết Quốc hội. Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến được tổ chức thi hành khẩn trương và đã phát huy hiệu quả tích cực trong thực tiễn. Tính đến nay đã tổ chức xét xử trực tuyến với tổng cộng 3.614 vụ án. Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến đánh dấu bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án, đã giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý và đảm bảo các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định, tiết kiệm chi thu phí và thời gian, nhất là trong thời gian dịch bệnh.

Các Đề án cải cách tư pháp được nghiên cứu, xây dựng đạt chất lượng cao. TANDTC đã tích cực tham gia xây dựng thể chế; tăng cường công tác xây dựng và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật. Đến nay, TANDTC đã thông qua 56 án lệ. Trong năm qua, có thêm hàng trăm bản án của các Tòa án đã viện dẫn, áp dụng án lệ…

Đẩy mạnh xét xử trực tuyến

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình ghi nhận các kết quả ngành Tòa án đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, vượt nhiều chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Trong đó, một số điểm nhấn là đã hoàn thành tất cả Đề án Trung ương giao cho, trong đó có Đề án Cải cách tư pháp, Tòa án điện tử, đổi mới cơ chế nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử,…

Công tác xây dựng pháp luật cũng là một điểm sáng năm 2022. TANDTC cũng tích cực tham gia xây dựng thể chế; tăng cường công tác xây dựng và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật. Cùng với đó là việc thực hiện các Nghị quyết lớn của Quốc hội về công tác hòa giải, tỷ lệ hòa giải thành tại Tòa án cao, không phải phải đưa ra xét xử, mang đến nhiều lợi ích cho xã hội; Nghị quyết về xét xử trực tuyến, mặc dù chưa được đầu tư cơ sở vật chất nhưng các địa phương nỗ lực, đã có hơn 5.000 vụ án được đưa xét xử trực tuyến; Ứng dụng công nghệ thông tin, đã đưa vào thử nghiệm phần mềm Trợ lý ảo vào hoạt động của Tòa án. Đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn tham gia vào các vụ án mà Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng chỉ đạo, với sự tham gia của các cơ quan tư pháp.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: TH.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: TH.

uy nhiên, Chánh án cũng thẳng thắn chỉ ra, vẫn còn hạn chế về chuyên môn trong xét xử án hành chính, chất lượng không cao, tỷ lệ huỷ sửa nhiều.

Đề cập đến nhiệm vụ trong năm 2023, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh lãnh đạo Tòa án các cấp cần quan tâm quán triệt và triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. “Đây là nhiệm vụ rất quan trọng và cần phải được triển khai bài bản, kịp thời để đảm bảo toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, người lao động Tòa án nhân dân các cấp nhận thức đầy đủ, sâu sắc về nội dung, yêu cầu các các nhiệm vụ cần triển khai theo tinh thần của Nghị quyết”, Chánh án nêu rõ.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình yêu cầu thực hiện quyết liệt các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết, xét xử các vụ việc thuộc thẩm quyền. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi và quan trọng nhất của hệ thống Toà án để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động từ đó xây dựng Tòa án trong sạch, vững mạnh. Vì vậy, các Toà án phải tập trung đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xét xử, đảm bảo không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm; hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Toà án; bảo đảm các vụ việc được giải quyết trong thời hạn luật định.

Mặt khác, tăng cường xây dựng thể chế, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử. Tập trung nghiên cứu, đề xuất Quốc hội xây dựng và ban hành các dự án luật, pháp lệnh quan trọng như: Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Luật Hội thẩm nhân dân; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Pháp lệnh về chi phí tố tụng;... tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất để nâng cao chất lượng xét xử. Trong năm 2023, mỗi Tòa án địa phương phải giới thiệu và được chấp nhận tối thiểu là 1 án lệ. Riêng đối với Tòa án Cấp cao và giám đốc thẩm cần nhiều bản án lệ hơn. Đây là nhiệm vụ quan trọng, góp phần vào việc làm cho phần mềm trợ lý ảo thông minh hơn.

Cùng với đó, đẩy mạnh xét xử trực tuyến; công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi giải quyết công việc tại Tòa án, góp phần xây dựng hình ảnh Tòa án thân thiện, gần dân, hiểu dân, là chỗ dựa cho nhân dân trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình quán triệt đến các Tòa án tập trung chăm lo xây dựng Đảng gắn với xây dựng hệ thống TAND trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực./.

* Theo báo cáo của TANDTC, trong năm 2022, các Tòa án đã thụ lý 93.452 vụ với 178.830 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được 91.312 vụ với 171.924 bị cáo; đạt tỷ lệ 97,71% về số vụ và 96,14% về số bị cáo, vượt 7,71% so với chỉ tiêu Tòa án đề ra. Các Tòa án đã tuyên thu hồi tiền, tài sản đối với 840 vụ, 1.995 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng với số tiền trên 4.027 tỷ đồng và nhiều tài sản khác. Các Tòa án cũng đã đưa ra xét xử 188 vụ với 297 bị cáo liên quan đến phòng chống dịch COVID-19, góp phần tích cực vào công tác phòng chống dịch bệnh.

Tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà Tòa án nhân dân tối cao và các TAND cấp cao phải giải quyết là 13.463 đơn/vụ; đã giải quyết được 8.403 đơn/vụ; đạt tỷ lệ 62,4%, vượt 2,4% so với chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội.

Về các vụ án hành chính, các Tòa án đã thụ lý 11.746 vụ; đã giải quyết, xét xử được 8.524 vụ; đạt tỷ lệ 72,6%, vượt 7,6% so với chỉ tiêu Tòa án đề ra. Các Tòa án đã hòa giải, đối thoại thành theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 72.955 vụ việc, đạt tỷ lệ 62,11%.

Theo Vy Anh - dangcongsan.vn

Lượt xem: 174