Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc In trang
29/09/2023 10:32 SA

   Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với mục tiêu, phương châm, quan điểm chỉ đạo cụ thể.

   Cuốn sách đã chỉ rõ những kết quả tích cực trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cùng với nỗ lực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Những kết quả đó gắn liền với vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; với các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được khẳng định, phát huy hiệu quả trên thực tế, được cụ thể hóa, thể chế hóa thành các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nhiều cách làm sáng tạo, khoa học, bài bản, chắc chắn đã trở thành những bài học kinh nghiệm quý có thể xem là những đúc kết lý luận, định hướng cho hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (ảnh Đặng Phước)
Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (ảnh Đặng Phước)

   Tuy nhiên, từ nhiều vụ việc sai phạm của cán bộ, đảng viên (cả những cán bộ cấp cao, giữ cương vị quan trọng) từ Trung ương đến nhiều địa phương cho thấy tính chất phức tạp, cam go của mặt trận này. Đặc biệt là từ vụ án “chuyến bay giải cứu” vừa được xử gần đây, quá trình và các hành vi phạm tội của những cán bộ có chức, có quyền đã gây phẫn nộ trong dư luận xã hội. Mặt khác thêm một lần chỉ rõ: Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo trá, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những “kẻ thù hung ác”, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.

    Thiết nghĩ, từ ý nghĩa lý luận thực tiễn của tác phẩm, các cấp ủy cần quán triệt, tiếp tục bổ sung cụ thể hóa thành những chương trình, kế hoạch hành động và quyết tâm thực hiện. Đặc biệt, phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng; đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, từ đó nâng cao trách nhiệm, ý thức tu dưỡng, rèn luyện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực tiễn.

    Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm, là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng; nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh về kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm, và kiên quyết làm. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người; và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới theo tinh thần Bác Hồ đã dạy: “Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây”.

    Trong bối cảnh hiện nay, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần nắm chắc hơn tình hình cán bộ, công chức, đảng viên thuộc diện mình quản lý; phòng ngừa, ngăn chặn từ cơ sở những sai phạm đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên. Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc. Cần luôn quán triệt, thực hiện nghiêm tư tưởng chỉ đạo và quan điểm: “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, và không chịu sự tác động, sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”.

Theo Trang TTĐT Ban Nội chính TW

Lượt xem: 201