Bảo vệ uy tín của Đảng bằng những quyết định đúng đắn của người lãnh đạo In trang
14/05/2024 08:20 SA

Quyết định của người lãnh đạo có vị trí, vai trò rất quan trọng. Thông qua quyết định, người lãnh đạo cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tế cuộc sống. Quyết định đó vừa là uy tín của người lãnh đạo, vừa là uy tín, thanh danh của Đảng. Chính vì vậy, trước mỗi quyết định, người lãnh đạo luôn cần phải cân nhắc và lựa chọn hết sức cẩn trọng và sáng suốt.

Uy tín của người lãnh đạo không chỉ là uy tín của cá nhân, mà còn là uy tín của tập thể, của Đảng. Ảnh: TTXVN.
Uy tín của người lãnh đạo không chỉ là uy tín của cá nhân, mà còn là uy tín của tập thể, của Đảng. Ảnh: TTXVN.

Quyết định và Uy tín

Quyết định và ra quyết định là hoạt động quan trọng gắn liền với người lãnh đạo. Đó là sự cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, là quá trình người lãnh đạo cân nhắc, lựa chọn hành động để nhằm đạt được mục tiêu trong bối cảnh cụ thể tại đơn vị, địa phương.

Uy tín là “sự tín nhiệm mà người đó có được bằng chính phẩm chất và tài năng của mình”[1] V.I.Lênin đã từng chỉ dạy: “Người lãnh đạo cần phải giành lấy uy tín tuyệt đối trong quần chúng bằng chính nghị lực của mình, bằng ảnh hưởng tư tưởng và hành động thực tế của mình, chứ không phải bằng danh hiệu và chức vụ”.

Thông thường, người lãnh đạo nào cũng cần phải có uy tín, bởi nếu không có uy tín, người lãnh đạo không thể thuyết phục, lôi kéo và dẫn dắt đội ngũ, tổ chức. Nó là phẩm chất và năng lực của người lãnh đạo, xuất phát từ việc người lãnh đạo đưa ra những quyết định, lựa chọn đúng đắn, phù hợp, có hiệu quả và được đo bằng hiệu quả công việc, hiệu quả lãnh đạo. Một quyết định đúng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho tổ chức, giúp tổ chức giải quyết được các vấn đề trước mắt, tận dụng cơ hội để đạt được mục tiêu đề ra, đưa tổ chức phát triển. Từ đó, cấp dưới, nhân dân tin tưởng, vị thế và uy tín của người lãnh đạo được nâng lên. Ngược lại, một quyết định sai lầm sẽ dẫn tới việc lãnh đạo, chỉ đạo không hiệu quả, lãng phí, thất thoát nguồn lực, sai lệch chủ trương, đường lối của Đảng, giảm sút niềm tin của cán bộ, của nhân dân. Dần dần, uy tín của người lãnh đạo sẽ giảm sút, thậm chí“nhiều cán bộ lãnh đạo còn thoái hóa, biến chất, sa sút nghiêm trọng về phẩm chất đạo đức, không còn một chút uy tín nào trước nhân dân”[2].

Bảo vệ uy tín của Đảng bằng những quyết định đúng đắn của người lãnh đạo

Trải qua hơn 90 năm kể từ khi ra đời, “Đảng ta đã xác lập, củng cố và ngày càng nâng cao vai trò lãnh đạo, sức mạnh và uy tín của mình chính là bằng bản lĩnh, nghị lực, trí tuệ, lý luận tiên phong; bằng đường lối đúng đắn mang lại lợi ích thiết thân cho nhân dân, cho dân tộc; bằng sự hy sinh quên mình, phấn đấu không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, đảng viên" [3].

Đảng lãnh đạo quần chúng bằng trí tuệ, tầm nhìn và những quyết định đúng đắn thể hiện qua cương lĩnh, chiến lược, chủ trương, chính sách... Đảng thông qua tổ chức Đảng và đảng viên, nhất là người đứng đầu để tổ chức thực hiện hiệu quả những quyết sách đã đề ra. Đảng hóa thân vào từng cán bộ, đảng viên để thực hiện sứ mệnh của mình là phục vụ nhân dân, đem lại hạnh phúc ấm no cho nhân dân. Mỗi quyết định của cán bộ, đảng viên đều là đại diện, là sự cụ thể hóa cho quyết sách của Đảng. Vì vậy, uy tín của người lãnh đạo không đơn thuần là uy tín của cá nhân, mà còn liên quan đến uy tín của tập thể, của Đảng. Trong các quyết định của mình, Người lãnh đạo nào “biết đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết” thì có nghĩa là họ đang góp phần xây dựng và củng cố uy tín của chính bản thân họ, góp phần tạo nên uy tín của Đảng. Và ngược lại, người lãnh đạo nào kém gương mẫu, kém năng lực, suy thoái về lý tưởng, đạo đức trong các quyết định thì bản thân họ sẽ đánh mất uy tín của mình, đồng thời làm ảnh hưởng tới uy tín, thanh danh của Đảng trước quần chúng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu dự Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu dự Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: TTXVN

Hiện nay, không ít sai phạm do người lãnh đạo đưa ra những quyết định không đúng đắn. Điều này chúng ta cũng đã nhìn thấy rõ qua việc nhiều cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bị xử lý, kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự trong các vụ đại án như Việt Á, “chuyến bay giải cứu”, tham nhũng, tiêu cực, nhận hối lộ trong các vụ án ở ngân hàng SCB, tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Sabeco, AVG… Theo con số thống kê trong 10 năm qua, đã có 2.740 tổ chức Đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật. Nguyên nhân cũng đã được Đảng ta nhận diện và chỉ ra trong Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII: “Một số cán bộ lãnh đạo quản lý trong đó có cán bộ cấp chiến lược, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm”. Vì vậy, họ đã đưa ra những quyết định trái với chủ trương, chính sách của Đảng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín, thanh danh của Đảng. Những quyết định sai lầm này làm “giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của các cơ quan nhà nước”[4] làm sai lệch chủ trương, đường lối của Đảng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, đe dọa sự ổn định và phát triển của địa phương, của đất nước.

Vì vậy, với cương vị là người đứng đầu, là đảng viên, người lãnh đạo cần phải ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình trước những quyết định, nhất là những quyết định quan trọng, có sức ảnh hưởng, lan tỏa lớn, để từ đó có những hành động phù hợp, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, tính hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước, bảo vệ uy tín cho Đảng và cho chính bản thân mình. Để làm được điều này, yêu cầu người lãnh đạo cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ như sau:

Một là, người lãnh đạo phải không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng.

Đây là điều kiện tiên quyết để đưa ra quyết định đúng, bởi dù người lãnh đạo dù tài giỏi đến đâu nhưng suy thoái về đạo đức, phai nhạt lý tưởng, đề cao chủ nghĩa cá nhân, nhăm nhe lấy cắp của công thành của tư, lợi ích nhóm thì khi đưa ra quyết định đều làm sai lệch chủ trương đúng đắn của Đảng. Loại lãnh đạo này Đảng không thể dùng được, cũng như Bác Hồ đã nói “có TÀI mà không có ĐỨC thì cũng vô dụng”. Vì vậy, là một đảng viên, là người đại diện cho Đảng ở tổ chức, địa phương mình, người lãnh đạo cần nỗ lực phấn đấu, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, kiên trì, không ngừng, không nghỉ đấu tranh với những thói hư tật xấu và các biểu hiện tiêu cực mà trước hết là chính bản thân mình. Thường xuyên thực hành tự phê bình và phê bình “như mỗi ngày phải rửa mặt”. Như vậy quyết định của người lãnh đạo mới thực sự khách quan, trong sáng, vì lợi ích chung, xứng đáng với niềm tin của Đảng, sự yêu mến, kính trọng của quần chúng nhân dân.

Hai là, người lãnh đạo cần mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình ra quyết định, đặc biệt là trong bối cảnh ngày nay.

Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm thay đổi nhanh chóng tư duy, tâm lý, thói quen, nhu cầu của mọi thành phần xã hội trong công việc, giao tiếp và ứng xử với nhau. Công nghệ và các thiết bị thông minh ngày càng cho phép người dân tiếp cận gần hơn tới chính quyền và nêu ý kiến, cùng phối hợp hoạt động. Có thể nói, vai trò và yêu cầu của người dân ngày một lớn và quan trọng đối với quá trình ban hành chủ trương, chính sách, kế hoạch so với trước đây. Điều này đòi hỏi ở những người lãnh đạo hiện nay khi ra quyết định phải thật sự dân chủ và công bằng. Vì vậy, người lãnh đạo cần quán triệt phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và “... lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”[5]đồng thời, lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên. Đó chính là ý Đảng, lòng dân trong việc ra quyết định, nâng cao uy tín của người lãnh đạo, uy tín của Đảng trước nhân dân.

Ba là, người lãnh đạo phải không ngừng nâng cao năng lực của mình.

Thông tin rất hữu dụng cho người lãnh đạo ra quyết định, để thu thập và sàng lọc được những thông tin cần thiết phải bỏ ra rất nhiều công sức. Tuy nhiên, nếu người lãnh đạo không có năng lực thì mọi thông tin dù tốt đến đâu khi đi qua quá trình nhận thức của người lãnh đạo yếu kém đều trở nên vô nghĩa, như chủ tịch Hồ Chí Minh nói “có ĐỨC mà không có TÀI thì làm việc gì cũng khó”.

Trong bối cảnh hiện nay khi mọi thứ ngày càng trở nên phức tạp, diễn ra nhanh, và liên tục thay đổi, nhiều vấn đề mới sẽ xuất hiện mang lại cho người lãnh đạo những thách thức và cơ hội mới. Kiến thức và kinh nghiệm cũ của người lãnh đạo là không đủ để ra quyết định. Vì vậy, người lãnh đạo cần phải liên tục học hỏi, mở mang tri thức của mình để đáp ứng với yêu cầu và nhiệm vụ thực tiễn đặt ra, đặc biệt là cần kết hợp giữa kiến thức lý luận đi đôi với thực hành, thường xuyên áp dụng những lý luận, tri thức đã học được vào hoạt động thực tiễn, học hỏi, đúc rút từ những kinh nghiệm thành công, thất bại trong thực tiễn để ngày càng làm giàu thêm cho tri thức của mình, từ đó nâng cao năng lực nhận thức, hỗ trợ quá trình xử lý thông tin và ra quyết định một cách chính xác nhất.

Theo Trang TTĐT thinhvuongvietnam.com

[1], [2], [3] Xem Nguyễn Phú Trọng, Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2023, tr.492; tr.496; tr.306-307. 

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam; Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 47, tr.353.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr.96, 97.

Lượt xem: 855