NGUYÊN NHÂN CỦA TÌNH TRẠNG NÉ TRÁNH, ĐÙN ĐẨY, LÀM VIỆC CẦM CHỪNG, SỢ TRÁCH NHIỆM KHÔNG DÁM LÀM CỦA MỘT BỘ PHẬN CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN, CÔNG CHỨC In trang
16/11/2023 10:06 SA

Hiện nay, Việc một số bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là một số cán bộ lãnh đạo, quản lý né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng do chủ quan là chính, thuộc về trách nhiệm của cả tổ chức và cá nhân.

Các đại biểu tham dự hội nghị trực tiếp về nghiên cứu, quán triệt tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Hội trường Tỉnh ủy Lâm Đồng
Các đại biểu tham dự hội nghị trực tiếp về nghiên cứu, quán triệt tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Hội trường Tỉnh ủy Lâm Đồng

1. Nguyên nhân khách quan

Trong thời gian qua, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao, mặt khác, hiện nay một số chủ trương, chính sách, cơ chế về công tác cán bộ, chế độ tiền lương chưa sát với thực tiễn cuộc sống để tạo điều kiện cho cán bộ, công chức yên tâm công tác, tích cực tham gia vào công tác tham mưu, sáng tạo, đột phá trong công việc. Đồng thời, mặt trái của nền kinh tế thị trường tác động không nhỏ tới tư tưởng của cán bộ, đảng viên, công chức, dẫn tới tâm lý coi trọng tiền bạc, của cải vật chất, tạo nên lối sống thực dụng, vị kỷ, thờ ơ, vô cảm,… đã tác động tiêu cực tới đạo đức, lối sống và kéo theo là sự tính toán lợi ích cá nhân trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của một số bộ phận cán bộ, công chức.

- Hiện nay, chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể để nhận diện những biểu hiện của tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức để làm cơ sở đánh giá cán bộ, công chức. Một số tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị chưa có quy định cụ thể về quy trình xử lý công việc, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong xử lý công việc chung, chưa có những quy định có các chế tài đủ sức răn đe. Việc đánh giá năng lực, kết quả xử lý công việc của cán bộ, công chức còn mang tính định tính, chung chung.

- Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng ta đẩy mạnh trong toàn hệ thống chính trị, nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật cũng khiến cho một bộ phận cán bộ thực thi công vụ, kể cả những người đứng đầu có tư tưởng và thái độ làm việc cầm chừng với tâm lý “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm sẽ không sai”.
- Hệ thống văn bản, quy định của Đảng, Nhà nước thường xuyên thay đổi, một số văn bản quy phạm pháp luật, nhất là văn bản dưới luật có sự chồng chéo, thiếu đồng bộ, khó thực hiện, có những công việc có nhiều văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện không có sự thống nhất và đồng bộ. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền ban hành nhiều văn bản để điều chỉnh phù hợp với tình hình xã hội, trong khi các ban, ngành, địa phương áp dụng chưa thống nhất hoặc phải chờ hướng dẫn, trả lời từ cấp trên nên quá trình giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp chưa bảo đảm. Có những văn bản pháp quy chưa rõ ràng, có thể hiểu theo những cách khác nhau, rất khó thực hiện.
- Công tác thanh tra, kiểm toán diễn ra thường xuyên và nhiều, những cán bộ, công chức càng làm nhiều việc thì trách nhiệm giải trình càng cao, đôi khi rất phiền hà; khi giải trình khó được các đoàn thanh tra, kiểm toán tiếp thu; các sai sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ không được xem xét trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể, vì vậy các sai sót mang tính chất hành chính không có yếu tố vụ lợi đã trở thành sai phạm, vi phạm pháp luật và bị khởi tố, điều tra, truy tố, kết án.
- Hiện nay, Đảng, Nhà nước đã ban hành các văn bản về đẩy mạnh phổ biến,quán triệt công tác tư tưởng, đạo đức, trách nhiệm nêu gương, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức,… nhằm khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm của cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tuy nhiên, trong việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ, đảng viên, công chức phát huy tính sáng tạo, đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm chưa được cụ thể hóa phù hợp trong thực tiễn và tình hình mới hiện nay; việc đánh giá cán bộ, công chức chưa thực chất, còn mang tính hình thức, người làm nhiều, làm tốt thường hay va chạm nên chưa được đánh giá cao; ngược lại, người làm việc chưa hiệu quả hoặc làm ít việc nên ít va chạm lại không bị phê bình và được lòng nhiều người,... gây ra sự chán nản, chưa khuyến khích được sự cố gắng nỗ lực, tính sáng tạo trong giải quyết công việc của cán bộ, công chức, dẫn đến chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và hiệu quả giải quyết công việc không cao.

Đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng phát biểu kết luận Hội nghị nghiên cứu, quán triệt tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Hội trường Tỉnh ủy Lâm Đồng
Đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng phát biểu kết luận Hội nghị nghiên cứu, quán triệt tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Hội trường Tỉnh ủy Lâm Đồng

2. Nguyên nhân chủ quan
- Nhận thức, ý thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức năng lực còn hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, chưa thật sự tâm huyết với chức trách, nhiệm vụ được giao; có tâm lý sợ sai, thu mình, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý theo kiểu “mình không đụng chạm đến họ thì họ sẽ không động chạm đến mình”, “thà không làm và bị phê bình còn hơn làm rồi bị sai, bị gánh trách nhiệm”,… dẫn đến tình trạng làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, thiếu chủ động, sáng tạo trong công việc, không đề xuất, tham mưu đột phá; một số bộ phận cán bộ, đảng viên còn có biểu hiện bằng lòng với công việc hiện tại, giải quyết công việc theo kinh nghiệm, chưa có ý thức đầu tư nghiên cứu để tự vươn lên, nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
- Công tác tổ chức, sắp xếp một số vị trí công việc chưa phù hợp chuyên môn, đúng người, đúng việc; công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên tại một số cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức; trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là người đứng đầu ở một số nơi chưa tạo được sự lan tỏa sâu rộng; một số cán bộ, đảng viên, công chức chưa tiên phong, gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện, thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, một số ít suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước đến mức phải xử lý kỷ luật, một số trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Công tác chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương có lúc chưa sâu sát, kịp thời; thiếu sự kiểm tra, quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương vai trò của người đứng đầu chưa nghiêm, còn mờ nhạt, thiếu quyết đoán, trong giải quyết công việc còn có tư tưởng“dễ làm, khó bỏ”, không dám làm, sợ sai, né tránh trách nhiệm, đùn đẩy công việc lên cấp trên, chủ yếu chỉ giải quyết công việc mang tính sự vụ, thủ tục hành chính thông thường.
- Một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức, viên chức chưa thực sự nghiên cứu sâu, ngại và né tránh tham mưu giải quyết những công việc phát sinh vướng mắc, khó khăn; còn có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất; có trường hợp tham mưu qua loa, đối phó, “trả bài”; ít quan tâm nghiên cứu, đề xuất chủ trương chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; nhất là trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; quản lý tài nguyên, khoáng sản; việc tổ chức thi công và giải ngân vốn đầu tư công…; có tư tưởng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm.
- Một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất, có tư tưởng tiêu cực, tham nhũng, chủ định kéo dài thời gian giải quyết công việc, gây khó khăn cho Nhân dân và doanh nghiệp để vụ lợi, nhũng nhiễu, ăn đút lót, hối lộ nhưng rất khó phát hiện xử lý.
- Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương chủ yếu tập trung vào bề nổi, chưa đi sâu xem xét kết quả thực hiện nhiệm vụ của công chức theo đề án vị trí việc làm; còn tình trạng nể nang, né tránh trong phát hiện vi phạm, xác định trách nhiệm cá nhân và chưa được xử lý kịp thời, nghiêm minh.
- Chất lượng một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu, chưa ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ; một bộ phận cán bộ, công chức kiến thức pháp luật, chuyên môn, kỹ năng hành chính còn hạn chế; tinh thần trách nhiệm chưa cao, chất lượng tham mưu, đề xuất và giải quyết công việc yếu.

Theo Báo cáo số 469-BC/TU của Tỉnh ủy Lâm Đồng

Lượt xem: 4.051