“BỆNH SỢ TRÁCH NHIỆM” Nội dung sinh hoạt chính trị tháng 7/2024 In trang
01/07/2024 04:30 CH

Năm 2023, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật phát hành tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ngày 08/6/2023, Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến toàn tỉnh nghiên cứu, quán triệt và triển khai đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng về nội dung tác phẩm trên. Tại Hội nghị, chúng ta đã được nghe đồng chí Nguyễn Thái Học – Quyền Bí thư Tỉnh ủy, lúc đó là Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương giới thiệu về nội dung cuốn sách, trong đó, tập trung khái quát các nội dung như: Vì sao phải biên soạn cuốn sách; quá trình biên soạn, xuất bản cuốn sách; bố cục cuốn sách; giá trị và nội dung cốt lõi của cuốn sách và những điểm mới ấn tượng của cuốn sách.

Tập thể lãnh đạo, Công chức Ban Nội chính Tỉnh ủy (ảnh minh họa)
Tập thể lãnh đạo, Công chức Ban Nội chính Tỉnh ủy (ảnh minh họa)

Tại buổi sinh hoạt dưới cờ, căn cứ Kế hoạch chào cờ và sinh hoạt chính trị năm 2024, Ban Nội chính Tỉnh ủy xin trích nội dung Bệnh sợ trách nhiệm”, được in tại trang 465 trong tác phẩm Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Bài “Bệnh sợ trách nhiệm” được đăng trên Tạp chí Cộng sản, số 11/1973, bút danh Người xây dựng. Nội dung bài viết như sau:

Miền Bắc nước ta đã bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội với quy mô ngày càng lớn. Nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, củng cố quốc phòng, nâng cao đời sống của nhân dân đang đặt ra những vấn đề mới mẻ, phong phú và phức tạp đòi hỏi phải được giải quyết kịp thời và đúng đắn.

Trước tình hình đó, người cán bộ, đảng viên - những người tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện đường lối, chính sách - phải có ý thức trách nhiệm cao và sự nỗ lực rất lớn để làm tốt công việc được giao và góp phần tích cực phát huy những thuận lợi mới, khắc phục những khó khăn trước mắt, thúc đẩy mọi hoạt động trong xã hội tiến lên nhanh chóng. Mỗi cán bộ, đảng viên, dù hoạt động ở ngành nào, ở cương vị nào, đều phải là một chiến sĩ xung kích trong cuộc đấu tranh xây dựng nền kinh tế mới, chế độ mới, con người mới xã hội chủ nghĩa, suy nghĩ và hành động với tinh thần cách mạng tiến công, với ý thức làm chủ tập thể, luôn luôn nhạy bén trước cái mới, chủ động và sáng tạo trong công tác, kiên quyết đấu tranh chống những tư tưởng và hành động trái với quan điểm và đường lối của Đảng, chống những xu hướng tiêu cực, bảo thủ. Đồng chí Lê Duẩn nói: “... Người lãnh đạo phải tiêu biểu cho đức tính trung thành và tận tụy trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, phải có năng lực đầy đủ và quyết tâm đầy đủ để thực hiện đường lối, chủ trương. Đó là người có kiến thức, giàu kinh nghiệm, biết nhìn xa, nhạy cảm với cái mới, có đầu óc sáng kiến, tính chủ động cao, kết hợp được tính tập thể trong lãnh đạo với khả năng quyết đoán sáng suốt trên cơ sở hiểu tường tận công việc và nắm chắc tình hình...”.

Nhiệm vụ trước mắt đòi hỏi mọi người phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, nhưng hiện nay trong cán bộ, đảng viên ta còn có những đồng chí sợ trách nhiệm.

Người sợ trách nhiệm thường làm việc một cách cầm chừng cho “đủ bổn phận”, cốt sao không phạm phải khuyết điểm gì lớn. Vì luôn luôn lo sợ phải chịu trách nhiệm về những việc sẽ xảy ra, cho nên không muốn cải tiến công tác, không dám mạnh dạn thay đổi những cái không hợp lý, chỉ làm theo nếp cũ. Vì sợ trách nhiệm mà đi đến bảo thủ. Hồ Chủ tịch nói: “Tính bảo thủ: tức là không có sáng kiến. Trước thế nào là sau cứ làm thế. Không có chịu nghĩ ra cái mới. Nghĩ đến cái mới lại ngại, không muốn tiến bộ. Xã hội bây giờ ngày một phát triển. Tư tưởng hành động cũng phát triển. Nếu cứ giữ lấy cái kẹp giấy cũ, không thay đổi, là không đi đến đâu cả”.

Người sợ trách nhiệm thường rụt rè, do dự trong khi giải quyết công việc, không phát biểu rõ ràng, dứt khoát ý kiến riêng của mình, không dám quyết đoán những việc thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình. Vì muốn trốn tránh trách nhiệm cá nhân của mình, các đồng chí này thường vin vào lý do chưa có chỉ thị của cấp trên để ỷ lại và chờ đợi một cách thụ động. Trước những công việc mới cần có ý kiến của cấp trên thì chỉ xin ý kiến rồi ngồi chờ, không chủ động tìm tòi và kiến nghị cách giải quyết cho kịp thời. Đối với những việc đã có chủ trương rõ ràng rồi cũng vẫn muốn chờ sự hướng dẫn thật chi tiết của cấp trên rồi mới làm, chứ không mạnh dạn quyết định các kế hoạch, biện pháp tích cực để thực hiện cho nhanh chóng và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương hay đơn vị mình.

Người sợ trách nhiệm cũng thường lấy lý do làm việc tập thể, tôn trọng tập thể để dựa dẫm vào tập thể. Đối với những công việc cụ thể thuộc phạm vi giải quyết của chính mình, đúng với chức trách và quyền hạn của mình, người sợ trách nhiệm vẫn không dám mạnh dạn giải quyết, mà việc lớn, việc nhỏ gì cũng muốn đưa ra tập thể bàn, chờ “ý kiến tập thể” cho “đỡ phiền”. Có những đồng chí khi đưa ra tập thể bàn định một công việc do chính mình phụ trách cũng chỉ nêu vấn đề, nêu thắc mắc chung chung, chứ không đề ra kiến nghị cụ thể, không nói rõ ý kiến riêng của mình về việc đó.

Người sợ trách nhiệm còn ngại “va chạm” trong quan hệ với các đồng chí trong đơn vị, với cấp trên và cả với cấp dưới. Lấy cớ phải có tác phong “thận trọng, chín chắn”, phải “giữ gìn đoàn kết”, các đồng chí đó không thẳng thắn phê bình những người phạm khuyết điểm, không đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực, những tư tưởng và việc làm trái với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Để tránh “sự hiểu lầm” của cấp trên, người sợ trách nhiệm không mạnh dạn phát biểu ý kiến và nêu đề nghị cụ thể của mình với cấp trên, người khi thấy có việc chưa hợp lý hoặc chủ trương chưa sát cần sửa đổi. Và để giữ “quan hệ tốt” với cấp dưới, các đồng chí đó cũng bỏ qua hoặc chỉ nhận xét nhẹ nhàng, khéo léo khi thấy cấp dưới làm sai hoặc báo cáo sai sự thật, không nghiêm khắc phê bình và kiên quyết yêu cầu sửa chữa đến nơi, đến chốn.

Thái độ sợ trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên đang là một trở ngại cho công tác của Đảng và Nhà nước, làm cho công việc bị trì trệ, dậm chân tại chỗ, làm cho những nhân tố mới không phát huy được, những khuyết điểm và nhược điểm không được khắc phục kịp thời, và làm cho trình độ, năng lực công tác của cán bộ chậm được nâng cao.

Sợ trách nhiệm là một khuyết điểm thuộc về ý thức tư tưởng, về phẩm chất cách mạng của người cán bộ, đảng viên, bởi vì sợ trách nhiệm tức là muốn yên thân, né tránh khó khăn, là thiếu tính chiến đấu, thiếu dũng khí cách mạng, là trái với “tinh thần dám xả thân vì sự nghiệp cách mạng, quyết đấu tranh xóa bỏ áp bức bóc lột, xóa bỏ nghèo đói và dốt nát, đấu tranh kiên cường, không mệt mỏi cho sự thực hiện thắng lợi cương lĩnh chính trị của Đảng”. Tinh thần trách nhiệm chính là một yêu cầu thuộc về tiêu chuẩn của người cán bộ. Mỗi cán bộ đều được Đảng và Nhà nước giao cho một nhiệm vụ công tác nhất định. Lòng trung thành với Đảng, với nhân dân, phẩm chất và năng lực của người cán bộ thể hiện trước hết và chủ yếu ở tinh thần phấn đấu không mệt mỏi, quyết vượt mọi khó khăn, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đem hết sức lực và tài năng ra hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao. Đó là tinh thần trách nhiệm của người cán bộ cách mạng. Sợ trách nhiệm, lẩn tránh trước khó khăn, làm việc cầm chừng, bàng quan trước mọi việc đúng, sai, đó chính là kiểu làm việc của người “công chức cũ”, chứ không phải là tác phong của người cách mạng. Khi bàn về tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ, Đimitơrốp đã nói: “... Người cán bộ phải có khả năng độc lập quyết định phương hướng trong mọi hoàn cảnh và không sợ chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Người nào sợ trách nhiệm không phải là một người lãnh đạo. Người nào không biết tỏ ra có sáng kiến, chỉ biết nghĩ rằng “tôi chỉ làm những việc mà người ta bảo tôi làm, người đó không phải là một người bônsêvích””.

Nguồn gốc chủ yếu của bệnh sợ trách nhiệm là chủ nghĩa cá nhân. Chính vì luôn luôn tính toán cho lợi ích cá nhân, bo bo “bảo vệ” lấy cái cá nhân của mình mà mất cả dũng khí đấu tranh, thiếu hẳn “tinh thần trách nhiệm nghiêm túc, tính kiên quyết, tính nguyên tắc trong khi giải quyết các vấn đề”, không dám đương đầu trước khó khăn, không dám nghĩ, không dám làm, chỉ tránh khó ngại phiền. Vì vậy, khắc phục bệnh sợ trách nhiệm trước hết là phải chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao tinh thần cách mạng của cán bộ, đảng viên, làm cho mỗi người đều có tinh thần xả thân vì sự nghiệp cách mạng, đều thật sự “trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” như Hồ Chủ tịch đã dạy.

Bệnh sợ trách nhiệm có những điều kiện khách quan để tồn tại và phát triển. Trong một số trường hợp, chính những khuyết điểm của tập thể hoặc của cấp trên trong sự tổ chức chỉ đạo và lề lối làm việc là chỗ dựa của bệnh sợ trách nhiệm. Hiện nay còn có những cơ quan, đơn vị vì phân công không rõ ràng, quy định không rành mạch về trách nhiệm và quyền hạn của từng người cho nên không thể đánh giá đúng ai làm tốt, ai làm không tốt; khi xảy ra việc làm sai gây tổn hại cho Đảng và Nhà nước thì chỉ có thể kiểm điểm tập thể chung chung, không biết quy trách nhiệm cụ thể về ai. Có những cán bộ cấp trên không tôn trọng chức trách, quyền hạn của cấp dưới, đã không chú ý đề cao, phát huy tính chủ động sáng tạo của cán bộ cấp dưới, rồi tự cho mình là đi sâu đi sát, là có tác phong cụ thể. Cách làm việc như vậy thường khiến cho những cán bộ vốn ỷ lại, thụ động dễ dàng lẩn tránh trách nhiệm.

Cũng có trường hợp người lãnh đạo ở cấp trên không khách quan lắng nghe ý kiến của cán bộ cấp dưới, chỉ muốn nghe những lời khen và đồng tình với mình, không thích những cán bộ có ý kiến trái với mình, cho nên không cổ vũ, khuyến khích cán bộ cấp dưới độc lập suy nghĩ, chủ động sáng tạo trong công việc và thẳng thắn phát biểu, đề đạt ý kiến. Thái độ đó của cấp trên thực tế là ủng hộ những cán bộ sợ trách nhiệm, những người “chỉ làm những việc mà người ta bảo làm”.

Còn có những đồng chí có cách nhìn không đúng về thái độ đoàn kết và quan hệ với quần chúng của người cán bộ. Các đồng chí đó thường khen những cán bộ xuề xòa, việc gì cũng “chín bỏ làm mười” không phê bình ai, không làm mất lòng ai, dễ dãi trong mọi trường hợp, kể cả trường hợp phạm sai lầm trên những vấn đề thuộc về nguyên tắc, cho như vậy là đoàn kết tốt, quan hệ với quần chúng tốt. Các đồng chí đó lại chê những cán bộ thẳng thắn phê bình, tích cực đấu tranh chống những tư tưởng và hành động tiêu cực, bảo thủ, trái với đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ. Cách nhìn đó, cách nhận xét cán bộ đó cũng khuyến khích những người sợ trách nhiệm.

Nhanh chóng khắc phục bệnh sợ trách nhiệm, nâng cao tinh thần trách nhiệm nghiêm túc, tính kiên quyết, tính nguyên tắc của cán bộ, đảng viên - nhất là những cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý - là một việc có ý nghĩa thúc đẩy hoạt động của các ngành, các cấp, bảo đảm hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ chính trị trước mắt, nâng cao phẩm chất và năng lực cán bộ, thực hiện có kết quả Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác cán bộ trong giai đoạn mới. Việc đó trước hết đòi hỏi sự phấn đấu, rèn luyện của bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, đồng thời cũng đòi hỏi các tổ chức đảng và Nhà nước cải tiến công tác, phân rõ chức trách, nhiệm vụ của tập thể, của cá nhân, làm tốt việc tổng kết công tác, căn cứ vào đường lối, chính sách của Đảng và nhiệm vụ cụ thể giao cho từng người mà biểu dương người làm tốt, phê phán người làm không tốt, có quan niệm đúng, thái độ đúng trong việc nhận xét, đánh giá cán bộ.

Bài viết "Bệnh sợ trách nhiệm" của đồng chí Nguyễn Phú Trọng (khi đó là biên tập viên Tạp chí Cộng Sản, bút danh "Người xây dựng") đăng trên chuyên mục "Sinh hoạt tư tưởng" cách đây hơn 50 năm vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và ý nghĩa thực tiễn. Nghiên cứu bài viết, chúng ta thấy tinh thần của bài viết được cụ thể hóa trong Chỉ thị số 34- CT/TU ngày 20/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về Phát huy tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của đội ngũ cán bộ, đảng viên, quyết tâm hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI; Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII”. Đặc biệt, nhằm khắc phục bệnh sợ trách nhiệm mà chúng ta vừa nghe, Chỉ thị đã nhấn mạnh đến Phương châm “3 điều cần làm”, 4 điều cần tránh” nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đổi mới tác phong, lề lối làm việc; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, đáp ứng yên cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Qua buổi sinh hoạt chính trị hôm nay, chúng ta tiếp tục quán triệt lại 3 điều cần làm, đó là: (1) Nói đi đôi với làm, làm điều đúng vì lợi ích chung; (2) Làm hết trách nhiệm, quyết tâm cao, tư duy đổi mới; (3) Làm mang lại hiệu quả cao nhất, chất lượng tốt nhất”;“4 điều cần tránh, đó là: (1) Tránh làm sai, làm trái, tư lợi cá nhân; (2) Tránh đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm; (3) Tránh làm việc qua loa, đại khái, không mang lại hiệu quả; (4) Tránh an phận thủ thường, dĩ hòa vi quý”; để từ đó tạo chuyển biến đồng bộ, rõ nét về nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu trong việc chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đổi mới phong cách, tác phong, lề lối làm việc với quyết tâm cao, hành động quyết liệt; xây dựng văn hóa liêm chính, văn hóa công sở văn minh, lịch sự, phục vụ Nhân dân; khơi dậy khát vọng cống hiến, vươn lên, tinh thần đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, ra sức phấn đấu xây dựng tỉnh Lâm Đồng phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, giàu đẹp, văn minh.

Ban Nội chính Tỉnh ủy

Lượt xem: 620