Nâng cao vai trò “cơ quan tham mưu chiến lược”, xây dựng ngành Nội chính Đảng thực sự “liêm chính của liêm chính” In trang
11/07/2025 10:55 SA

Sáng 10/7/2025, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai Kế hoạch quán triệt, thực hiện Kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp. Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương chủ trì Hội nghị.

Đồng chí Phan Đình Trạc phát biểu kết luận tại Hội nghị. Ảnh: dangcongsan.vn
Đồng chí Phan Đình Trạc phát biểu kết luận tại Hội nghị. Ảnh: dangcongsan.vn

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc đánh giá cao những kết quả toàn diện, nổi bật mà ngành Nội chính Đảng đạt được trong 6 tháng đầu năm 2025. Đồng chí nhấn mạnh, trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ đột phá chiến lược và tiến tới tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội XIV của Đảng, ngành Nội chính Đảng cần tiếp tục phát huy vai trò là “cơ quan tham mưu chiến lược” của Đảng trong các lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (PCTN, LP, TC) và cải cách tư pháp.

Chủ động, quyết liệt trong phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực

Trong 6 tháng đầu năm, ngành Nội chính Đảng đã làm tốt công tác tham mưu nhiều chủ trương, chính sách lớn, bám sát các yêu cầu thực tiễn, góp phần cụ thể hóa và hiện thực hóa các Nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Toàn ngành đã tích cực tham gia góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội XIV và văn kiện đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố với trọng tâm là các định hướng lớn trong lĩnh vực nội chính, PCTN, LP, TC và cải cách tư pháp.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng

Một điểm nổi bật là việc ngành đã chủ động tham mưu, kiến nghị cơ chế, chính sách phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ gốc. Công tác kê khai, kiểm soát kê khai tài sản, xây dựng văn hóa liêm chính, đấu tranh chống hàng giả, hàng lậu, lãng phí được đẩy mạnh. Đáng chú ý, các cơ quan tiến hành tố tụng tại địa phương đã khởi tố mới 416 vụ án với 1.207 bị can về các tội tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, xử lý nghiêm minh, đáp ứng yêu cầu chính trị và mong đợi của Nhân dân.

Giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đồng hành với phát triển kinh tế

Cùng với đấu tranh phòng, chống tiêu cực, ngành Nội chính Đảng đã chủ động phối hợp nắm chắc tình hình an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; kịp thời tham mưu xử lý những vấn đề nổi lên, phức tạp. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm; nhiều địa phương đã tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Bí thư cấp ủy với Nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và chính quyền.

Công tác tham mưu xây dựng thể chế, hoàn thiện pháp luật, tổ chức bộ máy tiếp tục được đẩy mạnh. Ngành đã hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo đúng chỉ đạo của Trung ương, chuẩn bị tốt điều kiện để triển khai hiệu quả mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

5 yêu cầu đặt ra đối với ngành Nội chính Đảng

Từ yêu cầu thực tiễn và trên cơ sở kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Nội chính Trung ương, đồng chí Phan Đình Trạc lưu ý 5 yêu cầu quan trọng, định hướng hoạt động của ngành Nội chính Đảng từ nay đến Đại hội XIV của Đảng:

  1. Giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, giữ được “trong ấm, ngoài êm”, góp phần ổn định vĩ mô, bảo đảm môi trường phát triển.
  2. Phục vụ tốt nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp và Đại hội XIV của Đảng; kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những cán bộ suy thoái, tham nhũng, tiêu cực.
  3. Đồng bộ, đồng tốc, đồng lực với quá trình vận hành bộ máy mới, nhất là mô hình chính quyền địa phương hai cấp; tăng cường kiểm soát quyền lực ở cấp cơ sở, không để “mất bò mới lo làm chuồng”.
  4. Nâng tầm chất lượng công tác tham mưu, thể hiện rõ bản lĩnh của “cơ quan gác gôn cho Đảng” trong lĩnh vực nội chính, PCTN, LP, TC và cải cách tư pháp.
  5. Xây dựng ngành Nội chính Đảng trong sạch, vững mạnh, trở thành cơ quan “liêm chính của liêm chính”, đội ngũ cán bộ “Chắc – Sắc – Đắc”.

Triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm

Trên tinh thần đó, đồng chí Phan Đình Trạc yêu cầu toàn ngành khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư, hoàn thành đúng tiến độ các đề án, kế hoạch theo chương trình công tác của Trung ương. Tiếp tục tham mưu rà soát, xử lý các văn bản chồng chéo, bất cập; kiên quyết không để các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, dư luận quan tâm kéo dài sang nhiệm kỳ mới.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Lâm Đồng
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Lâm Đồng

Đặc biệt, ngành cần tăng cường phối hợp, tham mưu giải quyết hiệu quả các công trình, dự án chậm tiến độ, góp phần ngăn chặn thất thoát, lãng phí; đồng thời xử lý kịp thời các điểm nóng, vụ việc phức tạp về an ninh, khiếu nại, tố cáo, nhất là tại các địa bàn chiến lược, trọng điểm sau sắp xếp đơn vị hành chính.

Việc quán triệt và thực hiện nghiêm túc Quy định số 329-QĐ/TW của Ban Bí thư về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp tỉnh là yêu cầu then chốt nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành Nội chính Đảng trong tình hình mới.

Trần Văn – Phòng Theo dõi CTNC&CCTP

Lượt xem: 7