Đồng chí Đặng Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương: Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống lãng phí In trang
21/04/2025 09:33 SA

Từ góc độ thực tiễn triển khai công tác phòng, chống lãng phí thời gian qua, đồng chí Đặng Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương đã có những chia sẻ thẳng thắn với phóng viên về chủ đề này.

- Trước tiên, xin đồng chí cho biết, những chủ trương, định hướng lớn của Đảng về đẩy mạnh công tác phòng, chống lãng phí trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay như thế nào?

- Như đã biết, cũng như tham nhũng, lãng phí được Đảng, Bác Hồ chỉ rõ là “kẻ thù” của cách mạng, của nhân dân, là “giặc nội xâm”, “tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn”. Do vậy, cùng với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác phòng, chống lãng phí; đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về vấn đề này. Gần đây, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 25/12/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đặc biệt, trước yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo nhiều chủ trương, giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đưa công tác phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp cả phòng và chống, với phương châm từ thấp đến cao để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.

Song song với xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hằng ngày”; khuyến khích cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hành tiết kiệm, tạo thói quen quý trọng thời gian làm việc, tiền bạc, tài sản của Nhà nước, công sức của nhân dân.

Đồng chí Đặng Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương (ảnh Đặng Phước)
Đồng chí Đặng Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương (ảnh Đặng Phước)

Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân trong phòng, chống lãng phí. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, có giải pháp làm lợi cho đất nước.

Những chủ trương, định hướng nêu trên là cơ sở chính trị quan trọng tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phòng, chống lãng phí, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

- Với vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đồng thời là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Ban Nội chính Trung ương đã thực hiện chức trách này ra sao, thưa đồng chí?

- Để triển khai các chủ trương, định hướng chỉ đạo của Đảng và của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về phòng, chống lãng phí, Ban Nội chính Trung ương đã kịp thời tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư bổ sung chức năng, nhiệm vụ về phòng, chống lãng phí cho Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trọng tâm là chỉ đạo phòng, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Tích cực phối hợp Bộ Tài chính tham mưu xây dựng Hướng dẫn về một số nội dung trọng tâm công tác phòng, chống lãng phí để thống nhất triển khai thực hiện trên cả nước.

Cùng với đó, Ban Nội chính Trung ương đã tham mưu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chỉ đạo rà soát, xử lý các công trình, dự án chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài, hiệu quả thấp, nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn. Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, các cơ quan, địa phương đã bước đầu rà soát và phân loại xử lý đối với hơn 1.500 công trình, dự án.

Đồng thời, tham mưu Ban Chỉ đạo chỉ đạo kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý một số vụ việc, vụ án về lãng phí nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, Thanh tra Chính phủ đã khẩn trương tiến hành và chỉ trong thời gian ngắn đã hoàn thành thanh tra đối với hai dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương và địa phương đã khởi tố, điều tra một số vụ án về lãng phí, như vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty Xi-măng Việt Nam; vụ án “Nhận hối lộ; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH Hoàng Dân; ... Nhiều Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực địa phương đã chủ động đưa một số vụ việc lãng phí vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Ban Nội chính Trung ương cũng đã phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo đưa bốn vụ án, vụ việc có dấu hiệu lãng phí nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo, xử lý.

- Những kết quả bước đầu trong công tác phòng, chống lãng phí mà đồng chí vừa nêu có ý nghĩa rất quan trọng. Để tạo chuyển biến rõ nét hơn nữa công tác này trong thời gian tới, theo đồng chí, nhiệm vụ trọng tâm sẽ là gì?

- Đúng như vậy, tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ngày 25/3/2025 vừa qua, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo đã khẳng định, những kết quả đạt được trong phòng, chống lãng phí thời gian qua mới chỉ là bước đầu; cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá rất cao và kỳ vọng rất lớn. Tiếp theo sẽ còn rất nhiều việc phải làm, trong đó cần tập trung vào một số nhiệm vụ sau đây:

Vấn đề cấp bách, phải làm ngay là tập trung chỉ đạo hoàn thành việc rà soát, làm rõ nguyên nhân, có phương án xử lý cụ thể các công trình, dự án chậm tiến độ, kéo dài, hiệu quả thấp, nguy cơ gây thất thoát, lãng phí lớn, sớm đưa các công trình, dự án vào sử dụng. Rà soát, giải quyết dứt điểm tình trạng quy hoạch treo, đất công không sử dụng, tài sản tranh chấp trong các vụ án, vụ việc tồn đọng kéo dài dẫn đến các nguồn lực chậm đưa vào sử dụng, bị lãng phí. Thực hiện có hiệu quả kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án ở một số địa phương. Kiểm kê, xây dựng Cơ sở dữ liệu về các dự án có sử dụng đất, số hóa, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và cơ sở dữ liệu chung về các nguồn lực của nền kinh tế. Sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí.

Thường trực Ban Chỉ đạo và đồng chí Tổng Bí thư cũng yêu cầu tiến hành thanh tra, kiểm toán chuyên đề về phòng, chống lãng phí tại một số địa phương có nhiều dự án, công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước tồn đọng, kéo dài, nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn; việc quản lý, sử dụng các cơ sở nhà, đất do các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quản lý.

Nhiệm vụ rất căn cơ là thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa lãng phí. Trọng tâm là thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện theo Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị. Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trên cơ sở chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đổi mới phương thức quản trị, điều hành, tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong thực thi công vụ.

Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với các mục tiêu phát triển đất nước; tăng cường đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, lợi dụng phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để gây chia rẽ nội bộ, chống phá Đảng, Nhà nước.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Theo Noichinh.vn

Lượt xem: 21