“Thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng” theo “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh In trang
08/10/2024 09:57 SA

Trước khi trở về với “thế giới của người hiền”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta một bản “Di chúc” kết tinh những giá trị vô giá. Dù đã qua 55 năm nhưng những lời căn dặn tâm huyết của Người vẫn còn để lại bài học lớn, thiết thực và mang tính thời sự, nhất là về rèn luyện, thấm nhuần đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên.

{iamge id=1}

Lời dạy của Người về “thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng”

Trong “Di chúc” của Bác, cuối phần TRƯỚC HẾT NÓI VỀ ĐẢNG, Người căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Chữ “thật” được nhắc đến 4 lần trong đoạn văn ngắn cho thấy Người rất có chủ ý về tầm quan trọng của “đạo đức cách mạng” và tính “thật”, độ “thật” của nó gắn với Đảng cầm quyền, với mỗi cán bộ và đảng viên.

 Thật/thực đối nghịch với giả dối/dối trá. Khi cái thật được đề cao, thậm chí cái thật của yếu kém, khuyết điểm được nhìn nhận khách quan, minh bạch không giấu giếm, né tránh thì cũng là lúc cái dối trá bị ngăn chặn, khó có cơ hội tồn tại và phát tán. Khi cán bộ, đảng viên thật sự có nhân cách, có đạo đức cách mạng mới thực hiện hiệu quả phương châm: “Nghĩ thật, nói thật, làm thật, kết quả thật, Nhân dân được thụ hưởng thật”. Sự dối trá về đạo đức, nhất là đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên càng gây nhiều hệ lụy khôn lường, là trở ngại lớn cho xây dựng Đảng và bộ máy Nhà nước. Vậy nên, sự nghiệp cách mạng của chúng ta thành hay bại theo Bác là do cán bộ tốt hay kém, cán bộ có “thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng” hay không. Nếu không “thực sự thấm nhuần” thì “đạo đức cách mạng” có thể chỉ là “hô khẩu hiệu”, hoặc biến tướng, trá hình thành những thứ chủ nghĩa cá nhân. Do đó, chừng nào mỗi cán bộ, đảng viên chưa “thực sự” quét sạch những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân để “thực sự” nâng cao đạo đức cách mạng, thì chừng đó cách mạng vẫn chưa hoàn toàn thành công, vì hệ lụy các tật xấu của chủ nghĩa cá nhân vẫn ngấm ngầm gặm nhấm, ngăn trở và làm suy thoái đạo đức của cán bộ, đảng viên, dẫn đến phá hoại sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa.

“Đảng ta là một đảng cầm quyền” - trong điều kiện một đảng cầm quyền duy nhất thì dễ phát sinh thói “kiêu ngạo cộng sản” nên Bác đã cảnh báo và căn dặn cán bộ đảng viên “phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Nếu không “thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng”, quên mình là “đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, thì đó cũng là lúc “bệnh quan cách mạng”, “bệnh kiêu ngạo” trong cán bộ, đảng viên bùng phát và hẳn nhiên sự khiêm tốn, cầu thị sẽ không còn đất sống. Bệnh kiêu ngạo dễ dẫn đến mất dân chủ, xa dân, sai về đường lối, hư hỏng về đạo đức và đương nhiên không còn xứng đáng là người lãnh đạo và xa hơn là nguy hại của đảng cầm quyền và tương lai của dân tộc.

Khắc ghi lời dạy của Người về “thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng”

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Tính xấu của một người thường chỉ có hại cho người đó, còn tính xấu của một đảng viên, một cán bộ sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân”. Thiếu và không “thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng”, cán bộ, đảng viên sẽ trở thành những kẻ âm thầm phá hoại sự thống nhất giữa đạo đức và chính trị của chế độ xã hội chủ nghĩa, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc từ bên trong, triệt tiêu động lực và làm chệch hướng phát triển của xã hội chủ nghĩa.

Khi “Thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng”, cán bộ, đảng viên mới giáo dục, nêu gương cho quần chúng noi theo trong quá trình xây dựng lối sống mới, các quan hệ xã hội mới. Tính “tiên phong”, “nêu gương” vừa là những giá trị đạo đức nhưng cũng đồng thời được thể chế hóa trong Điều lệ Đảng và Quy định về những điều đảng viên không được làm, vì nó là hạt nhân của sự đoàn kết và đoàn kết mới tạo nên sức mạnh, sự thành công của cách mạng.

Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về đạo đức, tính chân lý cũng như trọng lượng của nêu gương, Hồ Chí Minh từng huấn thị: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” và “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải là những tấm gương sống động trong thực tiễn và trên mọi lĩnh vực chứ không phải chỉ là những tấm gương trên lời nói, ở chương trình hay, bản báo cáo thành tích tốt... Đó cũng chính là tính toàn diện và thống nhất của sự gương mẫu cả về nóiviết và làm theo đúng đường lối, nghị quyết của Đảng. Nói nhiều làm ít, nói mà không làm, hay làm khác với nói đó là những biểu hiện rõ nét nhất của thói đạo đức giả. Chúng ta phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh nên phải ngăn chặn sự khủng hoảng, xuống cấp của đạo đức, nhất là thói đạo đức giả, nên càng không thể chấp nhận cán bộ, đảng viên là những kẻ đạo đức giả mà vẫn đi tuyên truyền, dạy dỗ người khác về đạo đức.

“Thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng” của cán bộ, đảng viên là một quá trình “xây” đi đôi với “chống”, là nhân tố tác động tích cực quyết định trực tiếp trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng và tệ nạn xã hội hiện nay. Tham nhũng và những tệ nạn xã hội suy cho cùng chính là biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, nó đối nghịch cơ bản với đạo đức cách mạng lấy chí công vô tư, lợi ích chung của Đảng, của Tổ quốc và Nhân dân làm trọng. Con đường dẫn đến tham nhũng thường bắt nguồn từ sự sa ngã, biến chất về đạo đức và lối sống.

“Thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng” vừa là mục tiêu, vừa là động lực xây dựng, phát triển hoàn thiện đội ngũ cán bộ nói chung. Một trong những mục tiêu của cách mạng là nhằm xây dựng bộ máy chính trị vững mạnh, liêm chính, gương mẫu, cúc cung tận tụy dân. Với tư cách động lực, “thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng” là một trong những nhân tố thể hiện bản lĩnh cách mạng của cán bộ nói chung, góp phần làm nên thành công của cách mạng.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta tập trung chú ý từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên kể cả lãnh đạo, quản lý có đức rộng tài cao đáp ứng ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng đòi hỏi. Hơn 94 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng, phần lớn cán bộ, đảng viên của Đảng đã luôn gương mẫu, tu dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bộc lộ sự yếu kém cả về năng lực lẫn phẩm chất đạo đức. Vẫn tồn tại không ít cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thoái hoá, biến chất, lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài. Họ sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, của lợi ích nhóm… nên đã không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước Nhân dân và cuối cùng rời xa lý tưởng của người cộng sản, không còn năng lực quy tụ và lãnh đạo quần chúng. Đáng lo ngại hơn cả là sai phạm có cả những cán bộ lãnh đạo cấp cao đã bị đưa ra khỏi Đảng và truy tố, xét xử gần đây không những làm thiệt hại lớn đến kinh tế của Nhà nước mà còn làm suy giảm niềm tin trong Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; làm rạn vỡ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng và Nhân dân...

Có thể thấy, những lời di huấn đầy trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp cách mạng, với tương lai của dân tộc qua vài dòng ngắn ngủi nhưng rất sâu sắc về mối quan hệ máu thịt giữa “Đảng cầm quyền” với “đạo đức cách mạng” của cán bộ, đảng viên hiện vẫn là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam cả hôm nay và mai sau. Học tập và làm theo Di chúc của Bác, mỗi cán bộ, đảng viên phải nỗ lực phấn đấu “thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng”. Đó cũng là cách thực hành tưởng nhớ, lòng biết ơn sâu sắc và giữ trọng lời thề với Người, đó cũng là mục tiêu chính trị và lý tưởng cách mạng của Đảng cầm quyền, vì độc lập cho dân tộc và ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Trần Văn - Phòng Theo dõi công tác nội chính

Theo Trang TTĐT thinhvuongvietnam.com

Lượt xem: 73