Chiều 08/12/2022, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” chủ trì buổi gặp mặt các chuyên gia, nhà khoa học và thành viên tham gia xây dựng Đề án.
Tham dự buổi gặp mặt có đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án; Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; các đồng chí lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương; lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước; Thường trực tổ biên tập xây dựng Đề án; Vụ Cải cách tư pháp, Ban Nội chính Trung ương và Vụ Pháp luật, Văn phòng Chủ tịch nước.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án
Tại buổi gặp mặt, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án nhấn mạnh, giá trị nổi bật của Nghị quyết số 27 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới là đã xác định được một hệ đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, hệ quan điểm để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, ngày ban hành Nghị quyết đúng Ngày Pháp luật Việt Nam.
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực xây dựng Đề án phát biểu
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước nêu rõ Đề án nói chung và Nghị quyết 27 nói riêng là sản phẩm của trí tuệ tập thể, là sự kết hợp nhuần nhuyễn tri thức, kinh nghiệm của ba “nhà”: “nhà” lãnh đạo chính trị, “nhà” hoạt động thực tiễn và “nhà” khoa học. Nhìn lại hơn một năm rưỡi xây dựng Đề án, Ban Chỉ đạo và Tổ Biên tập xây dựng Đề án đã nỗ lực và hoàn thành khối lượng công việc rất lớn. Nổi bật là, huy động các cơ quan Trung ương xây dựng 27 chuyên đề tổng kết; tổ chức ba Hội thảo quốc gia, 15 hội nghị, tọa đàm chuyên sâu và ba Hội nghị lấy ý kiến các tỉnh ủy, thành ủy; huy động sự tham gia rộng rãi của các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn, các viện nghiên cứu, trường đại học trong cả nước. Ban Chỉ đạo đã tổ chức bốn Phiên họp, Chủ tịch nước chủ trì bảy cuộc làm việc của Thường trực Ban Chỉ đạo; chuẩn bị tài liệu phục vụ Phiên họp của Bộ Chính trị và Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII). Trung ương đã dành một ngày để thảo luận về Đề án, với 151 lượt ý kiến phát biểu ở tổ và hội trường, thống nhất khẳng định Đề án đã được chuẩn bị nghiêm túc, bài bản, công phu, dân chủ, khoa học, bám sát và thực hiện đúng Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Hiến pháp năm 2013, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; bám sát tình hình thực tiễn đất nước và thế giới; kế thừa những kết quả về xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam trong thời gian qua, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế; từ đó xác định đúng các trọng tâm và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp thực tiễn, có đổi mới và định hướng cho thời gian dài, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững. Đề án đã hoàn thành theo đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng, được Bộ Chính trị nhất trí cao, trình Ban Chấp hành Trung ương thông qua và ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9/11/2022.
Quang cảnh buổi gặp
Chủ tịch nước đánh giá cao tập thể lãnh đạo, cán bộ hai cơ quan chủ lực, đóng vai trò xuyên suốt trong tham mưu, xây dựng Đề án là Ban Nội chính Trung ương và Văn phòng Chủ tịch nước; các cơ quan chức năng, các tỉnh ủy, thành ủy cùng các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu của đất nước về pháp luật đã khắc phục mọi khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường công suất làm việc, giúp Ban Chỉ đạo và Trưởng Ban Chỉ đạo hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Chủ tịch nước biểu dương Tổ Biên tập rất tâm huyết, trách nhiệm đóng góp xây dựng Đề án trên tinh thần cống hiến phục vụ đất nước, phục vụ Nhân dân. Nghị quyết số 27 mang dấu ấn rõ nét tư duy khoa học, trí tuệ và sự cống hiến nhiệt thành của các chuyên gia trong Tổ Biên tập.
Chủ tịch nước đề nghị Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước nghiên cứu, đề xuất khen thưởng xứng đáng cho các tập thể, cá nhân đã tích cực tham gia và có nhiều đóng góp xây dựng Đề án và Nghị quyết của Trung ương. Nhấn mạnh tầm quan trọng cần triển khai nghị quyết vào cuộc sống, Chủ tịch nước yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, làm rõ các vấn đề đặt ra thông qua các bài viết của các chuyên gia, cơ quan chức năng đồng thời Ban Nội chính Trung ương có kế hoạch triển khai sau khi việc quán triệt Nghị quyết đã được thực hiện tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) vừa qua.
Theo Đặng Phước - Trang TTĐT Ban Nội chính Trung ương