Những dấu hiệu về giao dịch đáng ngờ của tội rửa tiền In trang
01/02/2023 11:14 SA

Hỏi: Xin cho biết những quy định của pháp luật về dấu hiệu giao dịch đáng ngờ của tội rửa tiền và trách nhiệm của cơ quan chức năng đối với hành vi này như thế nào?

Trả lời: Theo Điều 22, Điều 37, 38 và Điều 48 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 quy định: 

Đối tượng báo cáo về giao dịch đáng ngờ có trách nhiệm báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi nghi ngờ hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc do phạm tội mà có hoặc liên quan tới rửa tiền. Báo cáo giao dịch đáng ngờ được thực hiện theo mẫu do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An phát biểu về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) tại Kỳ họp
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An phát biểu về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) tại Kỳ họp

Các dấu hiệu đáng ngờ cơ bản bao gồm: Khách hàng cung cấp thông tin nhận biết khách hàng không chính xác, không đầy đủ, không nhất quán; Khách hàng thuyết phục đối tượng báo cáo không báo cáo giao dịch cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Không thể xác định được khách hàng theo thông tin khách hàng cung cấp hoặc giao dịch liên quan đến một bên không xác định được danh tính; Số điện thoại cá nhân hoặc cơ quan do khách hàng cung cấp không thể liên lạc được hoặc không có số này sau khi mở tài khoản hoặc thực hiện giao dịch; Các giao dịch được thực hiện theo lệnh hoặc theo ủy quyền của tổ chức, cá nhân có trong danh sách cảnh báo; Các giao dịch mà qua thông tin nhận biết khách hàng hoặc qua xem xét về cơ sở kinh tế và pháp lý của giao dịch có thể xác định được mối liên hệ giữa các bên tham gia giao dịch với các hoạt động phạm tội hoặc có liên quan tới tổ chức, cá nhân có trong danh sách cảnh báo; Các tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch với số tiền lớn không phù hợp với thu nhập, hoạt động kinh doanh của tổ chức, cá nhân này; Giao dịch của khách hàng thực hiện thông qua đối tượng báo cáo không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực ngân hàng bao gồm: Có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên tài khoản; tiền gửi vào và rút ra nhanh khỏi tài khoản; doanh số giao dịch lớn trong ngày nhưng số dư tài khoản rất nhỏ hoặc bằng không; Các giao dịch chuyển tiền có giá trị nhỏ từ nhiều tài khoản khác nhau về một tài khoản hoặc ngược lại trong một thời gian ngắn; tiền được chuyển qua nhiều tài khoản; các bên liên quan không quan tâm đến phí giao dịch; thực hiện nhiều giao dịch, mỗi giao dịch gần mức giá trị lớn phải báo cáo; Sử dụng thư tín dụng và các phương thức tài trợ thương mại khác có giá trị lớn, tỷ lệ chiết khấu với giá trị cao so với bình thường; Khách hàng mở nhiều tài khoản tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở khu vực địa lý khác nơi khách hàng cư trú, làm việc hoặc có hoạt động kinh doanh; Tài khoản của khách hàng không giao dịch trên một năm, giao dịch trở lại mà không có lý do hợp lý; tài khoản của khách hàng không giao dịch đột nhiên nhận được một khoản tiền gửi hoặc chuyển tiền có giá trị lớn; Chuyển số tiền lớn từ tài khoản của doanh nghiệp ra nước ngoài sau khi nhận được nhiều khoản tiền nhỏ được chuyển vào bằng chuyển tiền điện tử, séc, hối phiếu; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển tiền ra nước ngoài ngay sau khi nhận được vốn đầu tư hoặc chuyển tiền ra nước ngoài không phù hợp với hoạt động kinh doanh; doanh nghiệp nước ngoài chuyển tiền ra nước ngoài ngay sau khi nhận được tiền từ nước ngoài chuyển vào tài khoản mở tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; Khách hàng thường xuyên đổi tiền có mệnh giá nhỏ sang mệnh giá lớn; Giao dịch gửi tiền, rút tiền hay chuyển tiền được thực hiện bởi tổ chức hoặc cá nhân liên quan đến tội phạm tạo ra tài sản bất hợp pháp đã được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng; Khách hàng yêu cầu vay số tiền tối đa được phép trên cơ sở bảo đảm bằng hợp đồng bảo hiểm đóng phí một lần ngay sau khi thanh toán phí bảo hiểm, trừ trường hợp tổ chức tín dụng yêu cầu; Thông tin về nguồn gốc tài sản sử dụng để tài trợ, đầu tư, cho vay, cho thuê tài chính hoặc ủy thác đầu tư của khách hàng không rõ ràng, minh bạch; Thông tin về nguồn gốc tài sản bảo đảm của khách hàng xin vay vốn không rõ ràng, minh bạch.

Các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán bao gồm: Giao dịch mua, bán chứng khoán có dấu hiệu bất thường trong một ngày hoặc một số ngày do một tổ chức hoặc một cá nhân thực hiện; Khách hàng thực hiện chuyển nhượng chứng khoán ngoài hệ thống mà không có lý do hợp lý; Công ty chứng khoán chuyển tiền không phù hợp với các hoạt động kinh doanh chứng khoán; Người không cư trú chuyển số tiền lớn từ tài khoản giao dịch chứng khoán ra khỏi Việt Nam; Khách hàng thường xuyên bán danh mục đầu tư và đề nghị công ty chứng khoán thanh toán bằng tiền mặt hoặc séc; Khách hàng đầu tư bất thường vào nhiều loại chứng khoán bằng tiền mặt hoặc séc trong khoảng thời gian ngắn hoặc sẵn sàng đầu tư vào các danh mục chứng khoán không có lợi; Tài khoản chứng khoán của khách hàng không hoạt động trong một thời gian dài nhưng đột nhiên được đầu tư lớn không phù hợp với khả năng tài chính của khách hàng; Giao dịch mua, bán chứng khoán có nguồn tiền từ các quỹ đầu tư được mở ở các vùng lãnh thổ được các tổ chức quốc tế xếp loại là có nguy cơ rửa tiền cao.

Các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản bao gồm: Các giao dịch bất động sản là giao dịch ủy quyền nhưng không có cơ sở pháp lý; Khách hàng không quan tâm đến giá bất động sản, phí giao dịch phải trả; Khách hàng không cung cấp được các thông tin liên quan tới bất động sản hoặc không muốn cung cấp bổ sung thông tin về nhân thân; Giá thỏa thuận giữa các bên giao dịch không phù hợp giá thị trường.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền. Thanh tra, giám sát hoạt động phòng, chống rửa tiền đối với đối tượng báo cáo thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối. Hợp tác, trao đổi, cung cấp thông tin với các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động thanh tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án liên quan đến rửa tiền; trao đổi thông tin với cơ quan phòng, chống rửa tiền nước ngoài và các cơ quan, tổ chức nước ngoài khác theo quy định của pháp luật. Thực hiện hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền theo thẩm quyền, làm đầu mối tham gia, triển khai thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với tư cách thành viên các tổ chức quốc tế về phòng, chống rửa tiền.

Bộ Công an có trách nhiệm thu thập, tiếp nhận và xử lý thông tin về tội phạm liên quan đến rửa tiền. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan trong phát hiện, điều tra và xử lý tội phạm về rửa tiền. Thường xuyên trao đổi thông tin, tài liệu về phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm rửa tiền trong nước và nước ngoài với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Chủ trì lập danh sách tổ chức, cá nhân thuộc danh sách đen quy định tại khoản 12 Điều 4 của Luật này. Thực hiện hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền theo thẩm quyền.

Trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành liên quan đề xuất, chủ trì đàm phán, ký kết và tổ chức thực hiện điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế về phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế trong việc nghiên cứu, đào tạo, hỗ trợ thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, trợ giúp tài chính và trao đổi kinh nghiệm về phòng, chống rửa tiền. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện trao đổi thông tin về phòng, chống rửa tiền với cơ quan phòng, chống rửa tiền nước ngoài và các cơ quan, tổ chức nước ngoài khác theo quy định của pháp luật; có quyền từ chối cung cấp thông tin cho cơ quan phòng, chống rửa tiền nước ngoài và các cơ quan, tổ chức nước ngoài khác trong trường hợp cần thiết và theo quy định của pháp luật Việt Nam. Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế về tương trợ tư pháp trong phòng, chống rửa tiền. Khi có yêu cầu về hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm kịp thời thông báo bằng văn bản về nội dung, thời gian, các bên liên quan và các chương trình hợp tác quốc tế khác cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoặc cho Bộ Tư pháp nếu nội dung liên quan đến tương trợ tư pháp để phối hợp thực hiện.

Theo Phương Anh, BNC Trung ương

Lượt xem: 1.318