Bài 2: Nội dung cốt lõi, quan điểm chỉ đạo về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án
Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực (KSQL), phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án (hoạt động tố tụng, thi hành án) là bước tiến mới về KSQL của Đảng, thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng ta trong việc tạo lập cơ chế chặt chẽ để phòng ngừa, xử lý tham nhũng, tiêu cực; góp phần nâng cao nhận thức của chủ thể KSQL và chủ thể chịu sự KSQL trong hoạt động tố tụng, thi hành án; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTNTC nói chung, PCTNTC trong hoạt động tố tụng, thi hành án nói riêng, theo đúng quan điểm “Đảng lãnh đạo chặt chẽ công tác PCTNTC”; “Phải PCTNTC ngay trong chính các cơ quan PCTNTC”;… Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động tố tụng, thi hành án góp phần xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.
1. Quy định này điều chỉnh phạm vi, đối tượng nào?
Có hai điểm đáng lưu ý về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Quy định số 132-QĐ/TW:
Một là, Quy định này không chỉ quy định về KSQL, PCTNTC trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử thi hành án(1), mà còn điều chỉnh đối với các hoạt động khác có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Các hoạt động này gồm: Giám định, định giá tài sản, đấu thầu, đấu giá; công chứng, chứng thực; phiên dịch, dịch thuật; bào chữa, trợ giúp pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; hòa giải, đối thoại tại tòa án; thừa phát lại, phối hợp cưỡng chế thi hành án, xét đặc xá; tương trợ tư pháp và hợp tác quốc tế khác; giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo; bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác.
Như vậy, phạm vi điều chỉnh của Quy định không chỉ gói gọn trong các hoạt động tố tụng và thi hành án, mà còn điều chỉnh cả những hoạt động khác có liên quan đến các hoạt động này để tránh sót, lọt, bảo đảm toàn diện và chặt chẽ. Những lĩnh vực như giám định, định giá tài sản, đấu thầu, đấu giá, công chứng, bào chữa, thừa phát lại,… nếu cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các hoạt động này cũng đều bị xử lý.
Hai là, Quy định không chỉ áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền (về mặt Nhà nước) mà còn áp dụng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên (về mặt Đảng) trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hoạt động tố tụng, thi hành án và hoạt động khác có liên quan theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Như vậy, Quy định không chỉ hướng tới xây dựng bộ máy tố tụng trong sạch, minh bạch, đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp, mà còn hướng tới xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng văn hóa liêm chính, đạo đức nghề nghiệp của đảng viên.
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC phát biểu tại Hội nghị giao ban công tác nội chính Quý III, triển khai nhiệm vụ Quý IV/2023, ngày 28/9/2023 (ảnh Đặng Phước)
2. Nội dung cốt lõi của kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án là gì?
Việc xác định các nội dung KSQL trong hoạt động tố tụng, thi hành án dựa trên nhiều căn cứ(2) nhưng phải bảo đảm tập trung vào đúng mục đích, hiệu quả của KSQL. Sau khi cân nhắc kỹ, Bộ Chính trị đã quyết định có hai nội dung cốt lõi của KSQL, PCTNTC trong hoạt động tố tụng, thi hành án:
Một là, kiểm soát việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, công tác PCTNTC trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan
Đảng lãnh đạo công tác tư pháp và các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, thi hành án bằng việc đề ra chủ trương, đường lối, định hướng lớn trong từng thời kỳ và từng giai đoạn cụ thể. Trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng và cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án là phải quán triệt, cụ thể hóa thành các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch, thể chế hóa thành các quy định pháp luật, quy định, quy chế, quy trình nghiệp vụ,… để triển khai thực hiện. Do vậy, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực tư pháp, về công tác PCTNTC là nội dung KSQL quan trọng, bảo đảm cho hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, thi hành án đúng định hướng chính trị; các chủ trương, chính sách, pháp luật về lĩnh vực tư pháp, về PCTNTC được triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả.
Hai là, kiểm soát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan
Thực chất đây là hoạt động kiểm soát việc thực thi quyền lực của các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án, nhất là trong việc điều tra, xử lý vụ án, vụ việc phải bảo đảm đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo điều kiện để các cơ quan này phát hiện, điều tra, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm, bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, mọi hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm đều phải được phát hiện, xử lý kịp thời, chính xác, nghiêm minh theo đúng quy định. Nội dung kiểm soát này có ý nghĩa rất quan trọng, một mặt bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng, không buông lỏng hoặc thoát ly khỏi sự lãnh đạo của Đảng, mặt khác sự kiểm soát phải tuân thủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không ảnh hưởng đến các nguyên tắc cơ bản trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, thi hành án và trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nhưng vẫn bảo đảm quyền lực trong lĩnh vực này được vận hành đúng mục đích, hiệu quả.
3. Những hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án
Quy định số 132-QĐ/TW đã tổng kết thực tiễn, chắt lọc ra 27 hành vi điển hình về lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và quy định mở về các hành vi khác có liên quan, cụ thể là:
(1) Lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, ban hành các văn bản trái chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
(2) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, nhiệm vụ, công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
(3) Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý để xảy ra hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
(4) Bao che, dung túng, tiếp tay, xử lý không đúng quy định đối với hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
(5) Can thiệp, cản trở, tác động trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan, hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng và các cơ quan chức năng, hoạt động giám sát của cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
(6) Chỉ đạo, ép buộc cấp dưới che giấu, không báo cáo, báo cáo sai sự thật, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định, quy trình nghiệp vụ dẫn đến sai lệch kết quả thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
(7) Cố ý không tiếp nhận, giải quyết hoặc tiếp nhận, giải quyết không đúng quy định của pháp luật đối với nguồn tin về tội phạm, việc khởi kiện giải quyết vụ án hành chính, vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự, việc phá sản, thi hành án.
(8) Che giấu, làm sai lệch, sót, lọt nguồn tin về tội phạm hoặc làm sai lệch hồ sơ, tài liệu, tiêu hủy chứng cứ, vật chứng trái pháp luật.
(9) Ban hành quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can hoặc không ban hành quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can trái pháp luật; không truy tố người có tội hoặc truy tố người không có tội hoặc ban hành bản án, quyết định trái pháp luật.
(10) Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, biện pháp tư pháp, thay đổi tội danh, hình phạt, miễn, giảm hình phạt, miễn, giảm trách nhiệm hình sự, dân sự, tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án, vụ việc, chuyển vụ án, nhập hoặc tách vụ án trái pháp luật.
(11) Nhục hình, bức cung, mớm cung hoặc chỉ đạo, tổ chức thông cung đối với người bị buộc tội; truy ép, gợi ý cho đương sự, người tham gia tố tụng khác cung cấp tài liệu, khai báo, trình bày không khách quan, trung thực.
(12) Trì hoãn hoặc kéo dài thời gian giám định, định giá tài sản không đúng quy định của pháp luật; cố ý né tránh, kéo dài thời gian cung cấp tài liệu theo yêu cầu giám định, định giá hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật; kết luận giám định, định giá tài sản không đúng sự thật hoặc từ chối kết luận giám định, định giá tài sản trái pháp luật.
(13) Lợi dụng quyền trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, quyền yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu hoặc quyền trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, quyền hủy án điều tra lại, quyền kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, quyền yêu cầu giải thích bản án để kéo dài quá trình giải quyết vụ án, vụ việc, thi hành án vì vụ lợi.
(14) Đề nghị, quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, miễn, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện, rút ngắn thời gian thử thách của người được hưởng án treo, xét và đề nghị đặc xá trái pháp luật.
(15) Cố ý thi hành án trái nội dung bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật hoặc không ra quyết định thi hành án, trì hoãn hoặc kéo dài thời gian giải quyết việc thi hành án trái pháp luật; quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp khẩn cấp tạm thời, cưỡng chế thi hành án, câu kết, thông đồng với đơn vị thẩm định giá, bán đấu giá tài sản để hạn chế người mua, dìm giá, hạ giá tài sản thi hành án trái pháp luật.
(16) Cố ý vi phạm các quy định về niêm phong, mở niêm phong, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, về thu giữ, bảo quản, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ, tài sản thi hành án.
(17) Cản trở trái pháp luật hoạt động của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; hoạt động tự bào chữa, nhờ người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hoặc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và các quyền khác của bị hại, người được thi hành án, đương sự, người bị buộc tội, người chấp hành án, người phải thi hành án theo quy định của pháp luật.
(18) Tư vấn, liên hệ, tiếp xúc, giải quyết không đúng quy định về chế độ thăm, gặp, liên lạc đối với người bị buộc tội, phạm nhân; gây phiền hà, sách nhiễu đối với người bị buộc tội, người chấp hành án, người phải thi hành án, bị hại, người được thi hành án, đương sự hoặc người thân thích của họ vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.
(19) Lợi dụng công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác để trục lợi hoặc động cơ cá nhân khác; chỉ đạo hoặc cung cấp, tiết lộ thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ án, vụ việc trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
(20) Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền để chiếm đoạt tài sản; lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn hoặc giả mạo trong công tác để trục lợi trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
(21) Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền để áp đặt, hợp thức hóa các hành vi, quyết định trái pháp luật của mình hoặc để giải quyết việc cá nhân mình trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
(22) Nhận quà (lợi ích vật chất, phi vật chất) dưới mọi hình thức để làm trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tặng quà (trực tiếp hoặc gián tiếp dưới mọi hình thức) để tác động, gây ảnh hưởng đến người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan làm sai lệch kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
(23) Cố ý để người có quan hệ gia đình và người thân thích khác lợi dụng vị trí công tác, chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi hoặc tham gia bào chữa, tư vấn pháp lý trong vụ án, vụ việc mà mình chỉ đạo giải quyết hoặc trực tiếp giải quyết.
(24) Cố ý không giải quyết, không thực hiện hoặc giải quyết, thực hiện không đúng quy định hoặc cản trở việc giải quyết đối với các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, yêu cầu trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
(25) Tiết lộ thông tin, đe dọa, trả thù, trù dập người kiến nghị, phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan thuộc phạm vi được giao quản lý, phụ trách.
(26) Đe dọa, trả thù, trù dập, mua chuộc người tố giác tội phạm, người tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực liên quan đến bản thân mình hoặc người có quan hệ gia đình trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc, thi hành án.
(27) Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền trong việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; sử dụng trái pháp luật các thông tin, tài liệu thu thập được từ các biện pháp nghiệp vụ.
(28) Các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực khác trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
4. Quy định cụ thể trách nhiệm của bốn loại chủ thể có liên quan trong hoạt động tố tụng, thi hành án
Thời gian qua, mặc dù công tác PCTNTC đạt được nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn xảy ra sai phạm, tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan có chức năng PCTN và cơ quan bảo vệ pháp luật. Việc quản lý, kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức ở một số cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, thi hành án có lúc còn chưa chặt chẽ, dẫn đến có trường hợp cán bộ, công chức vi phạm nhưng không kịp thời phát hiện, nhắc nhở, ngăn chặn; một số trường hợp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, bị xử lý hình sự. Việc tổ chức thực hiện các quy định về KSQL trong hoạt động tố tụng, thi hành án tại một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm.
Số cuộc kiểm tra, giám sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án về tham nhũng, tiêu cực nói riêng, việc thực thi quyền lực trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án nói chung còn ít, hiệu quả chưa cao. Vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án chưa rõ nét trong KSQL để PCTNTC. Công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTNTC nói chung, trong hoạt động tố tụng, thi hành án nói riêng chưa được tiến hành thường xuyên, kịp thời, nên việc phát hiện, phòng ngừa và xử lý vi phạm của cán bộ, công chức có trường hợp còn hạn chế; việc tự kiểm tra phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, thi hành án còn yếu, rất ít vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực được phát hiện qua tự kiểm tra trong nội bộ, chủ yếu qua đơn thư tố cáo hoặc qua thanh tra, kiểm tra.
Trước thực trạng nêu trên, Bộ Chính trị đã quy định rõ trách nhiệm của 4 loại chủ thể riêng biệt trong KSQL, PCTNTC trong hoạt động tố tụng, thi hành án, bao gồm: (1) Cấp ủy, tổ chức đảng trong KSQL, PCTNTC trong hoạt động tố tụng, thi hành án; (2) Thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, thành viên tập thể lãnh đạo của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiến hành tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan; (3) Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiến hành tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan; (4) Người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan.
Theo đó, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, cấp ủy, tổ chức đảng phải lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều nội dung quan trọng, trong đó có tham mưu xây dựng, thể chế hóa, thực hiện nghiêm các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan; thực hiện nghiêm các cơ chế KSQL, PCTNTC trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan, các quyết định, yêu cầu, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan; kịp thời hủy bỏ, thay đổi các quyết định tố tụng, thi hành án và các kết luận trái pháp luật; yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét lại các hành vi, quyết định, kết luận không có căn cứ, trái pháp luật,…
Đáng chú ý là, các thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, thành viên tập thể lãnh đạo của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền… phải thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Không cản trở, tác động, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan và vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán trong lĩnh vực này. Thường xuyên tự kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan thuộc phạm vi quản lý, phụ trách và chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong đơn vị được phân công trực tiếp quản lý, phụ trách,…
5. Xử lý trách nhiệm đối với các chủ thể có liên quan trong hoạt động tố tụng, thi hành án khi có vi phạm trong hoạt động này Quy định số 132-QĐ/TW đã quy định việc xử lý vi phạm rất nghiêm khắc đối với cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án. Đáng chú ý là, Quy định số 132-QĐ/TW đã tách biệt và phân hóa xử lý trách nhiệm rất rõ nét: (1) Xử lý đối với các hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực và (2) Xử lý trách nhiệm khi để xảy ra hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực. Cụ thể là:
- Điều 11 quy định về xử lý các hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực. Theo đó, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Những hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực chưa có quy định xử lý thì căn cứ vào Điều lệ và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệ và quy định của các tổ chức, đoàn thể để xử lý cho phù hợp. Trường hợp đã xử lý kỷ luật, nhưng xét thấy cần thiết thì cấp có thẩm quyền phải kiên quyết điều chuyển người vi phạm khỏi vị trí công tác đang đảm nhiệm, thay thế, cho thôi giữ chức, miễn nhiệm, từ chức, không bố trí công tác liên quan đến hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan; thu hồi, không bổ nhiệm lại các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp và các chức danh, chức vụ trong các cơ quan, tổ chức các hoạt động khác có liên quan đến hoạt động tố tụng, thi hành án.
Trường hợp vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật, nghiêm cấm giữ lại để xử lý nội bộ.
- Điều 12 quy định xử lý trách nhiệm khi để xảy ra hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực: Đối với cấp ủy, tổ chức đảng để xảy ra hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực thuộc phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo thì xử lý theo quy định của Đảng.
Đối với lãnh đạo cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị: Người đứng đầu, thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, thành viên tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, phạm vi công việc mình được phân công trực tiếp quản lý, phụ trách thì xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Đồng thời, bị xem xét tăng trách nhiệm trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực mà không áp dụng các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền để kịp thời ngăn chặn, xử lý, khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm hoặc không kịp thời báo cáo theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Mặt khác, được xem xét loại trừ trách nhiệm trong trường hợp không thể biết hoặc đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan. Được xem xét miễn, giảm trách nhiệm trong trường hợp chủ động phát hiện và đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý, khắc phục hậu quả hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý, khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực; hoặc trong trường hợp có căn cứ chứng minh bản thân không đồng ý với nghị quyết, quyết định, kết luận, mệnh lệnh trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước của tập thể, hoặc của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị. Được xem xét miễn hoặc giảm hình thức kỷ luật nếu chủ động xin thôi giữ chức vụ, từ chức, xin nghỉ công tác trước khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý, trừ trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Quy định này phù hợp với chủ trương về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ của Đảng ta hiện nay.
Tóm lại, Quy định số 132-QĐ/TW đã nêu rõ các nguyên tắc KSQL, PCTNTC trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; nội dung, phương thức KSQL, PCTNTC trong hoạt động tố tụng, thi hành án; những hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án; trách nhiệm và xử lý vi phạm, xử lý trách nhiệm khi để xảy ra hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực.
Quy định về KSQL để PCTNTC trong hoạt động tố tụng và thi hành án phù hợp với thể chế chính trị của nước ta, tuân thủ đúng các nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của Đảng và Nhà nước, đặt trong tổng thể công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Quy định đã quán triệt sâu sắc các quan điểm chung về KSQL, PCTNTC của Đảng và Nhà nước ta hiện nay là: Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn phải được ràng buộc chặt chẽ với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao trách nhiệm càng lớn; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh mọi hành vi lạm dụng, lợi dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực.
Theo Trang TTĐT BNCTW