Hỏi: Xin cho biết những quy định của pháp luật về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt như thế nào?
Trả lời: Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15, ngày 18/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng quy định: Hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt; biện pháp khắc phục hậu quả; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính; thẩm quyền, thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Cơ quan chức năng làm việc với đối tượng thông tin sai sự thật
Hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, cản trở hoạt động giải quyết vụ án, vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính mà không phải là tội phạm và theo quy định của Pháp lệnh này phải bị xử phạt vi phạm hành chính. Hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, cản trở hoạt động giải quyết vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân và Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà không phải là tội phạm thì bị áp dụng xử phạt vi phạm hành chính như hành vi cản trở hoạt động tố tụng theo quy định của Pháp lệnh này.
Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng được thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Các hình thức xử phạt chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng bao gồm: Cảnh cáo; Phạt tiền. Hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng là tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Nguyên tắc áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng được thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 21 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân đến 40 triệu đồng. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tổ chức đến 80 triệu đồng. Thẩm quyền phạt tiền của những người được quy định tại các điều từ Điều 25 đến Điều 32 của Pháp lệnh này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân; thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân.
Cụ thể, Điều 9 Pháp lệnh này quy định mức phạt đối với các hành vi tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật như sau: Phạt tiền từ 01 - 05 triệu đồng với hành vi cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật. Phạt tiền từ 05 - 15 triệu đồng với một trong các hành vi: Cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, người có thẩm quyền; Lôi kéo, xúi giục, lừa dối, mua chuộc, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực buộc người khác tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật.
Riêng trường hợp luật sư thực hiện hành vi tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Ngoài ra, tại Điều 10 quy định việc tiết lộ bí mật điều tra cũng bị phạt nặng với các mức phạt như:
Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với người tham gia tố tụng tiết lộ bí mật điều tra mặc dù đã được điều tra viên, cán bộ điều tra, kiểm sát viên hoặc kểm tra viên yêu cầu phải giữ bí mật, trừ trường hợp quy định tại Pháp lệnh này. Phạt tiền từ 8 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Người tham gia tố tụng tiết lộ bí mật điều tra làm trì hoãn, kéo dài thời gian điều tra mặc dù đã được điều tra viên, cán bộ điều tra, kiểm sát viên hoặc kiểm tra viên yêu cầu phải giữ bí mật, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 10; Luật sư thực hiện hành vi quy định tại Khoản 1, Điều 10. Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với luật sư thực hiện hành vi tiết lộ bí mật điều tra làm kéo dài thời gian điều tra.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi thông tin, tài liệu, dữ liệu, vật có chứa bí mật điều tra đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 10; Buộc gỡ bỏ thông tin, tài liệu, dữ liệu có chứa bí mật điều tra đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 10; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 10.
Theo Thanh An - Trang TTĐT BNCTW