Việc trưng cầu giám định trong vụ án hình sự
21/11/2023
Hỏi: Xin cho biết, quy định của pháp luật như thế nào về việc trưng cầu giám định trong vụ án hình sự?
Trả lời
Thời gian trả lời: 21/11/2023 10:54 SA
Trả lời: Điều 205 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về trưng cầu giám định như sau:
Khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 206 của Bộ luật này hoặc khi xét thấy cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định. Quyết định trưng cầu giám định có các nội dung: Tên cơ quan trưng cầu giám định; họ tên người có thẩm quyền trưng cầu giám định; Tên tổ chức; họ tên người được trưng cầu giám định; Tên và đặc điểm của đối tượng cần giám định; Tên tài liệu có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo (nếu có); Nội dung yêu cầu giám định; Ngày, tháng, năm trưng cầu giám định và thời hạn trả kết luận giám định.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định trưng cầu giám định, cơ quan trưng cầu giám định phải giao hoặc gửi quyết định trưng cầu giám định, hồ sơ, đối tượng trưng cầu giám định cho tổ chức, cá nhân thực hiện giám định; gửi quyết định trưng cầu giám định cho Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.
Tại Điều 206 quy định về các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định đó là: Tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án; Tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó; Nguyên nhân chết người; Tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động; Chất ma tuý, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ; Mức độ ô nhiễm môi trường.
Về việc yêu cầu giám định được Bộ luật này quy định: Đương sự hoặc người đại diện của họ có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét, ra quyết định trưng cầu giám định. Trường hợp không chấp nhận đề nghị thì thông báo cho người đã đề nghị giám định biết bằng văn bản và nêu rõ lý do. Hết thời hạn này hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì người đề nghị giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định. Người yêu cầu giám định có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Giám định tư pháp.
Việc giám định có thể tiến hành tại cơ quan giám định hoặc tại nơi tiến hành điều tra vụ án ngay sau khi có quyết định trưng cầu, yêu cầu giám định. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, người yêu cầu giám định có thể tham dự giám định nhưng phải báo trước cho người giám định biết. Việc giám định do cá nhân hoặc do tập thể thực hiện. Nội dung này được quy định tại Điều 209 của Bộ luật.
Điều 210 quy định việc giám định bổ sung được tiến hành trong trường hợp: Nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ; Khi phát sinh vấn đề mới cần phải giám định liên quan đến tình tiết của vụ án đã có kết luận giám định trước đó. Việc giám định bổ sung có thể do tổ chức, cá nhân đã giám định hoặc tổ chức, cá nhân khác thực hiện. Việc trưng cầu, yêu cầu giám định bổ sung được thực hiện như giám định lần đầu.
Giám định lại được thực hiện khi có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác. Việc giám định lại phải do người giám định khác thực hiện. Cơ quan trưng cầu giám định tự mình hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng quyết định việc trưng cầu giám định lại. Trường hợp người trưng cầu giám định không chấp nhận yêu cầu giám định lại thì phải thông báo cho người đề nghị giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do. Trường hợp có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định thì việc giám định lại lần thứ hai do người trưng cầu giám định quyết định. Việc giám định lại lần thứ hai phải do Hội đồng giám định thực hiện theo quy định của Luật Giám định tư pháp.
Trường hợp đặc biệt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc giám định lại sau khi đã có kết luận của Hội đồng giám định. Việc giám định lại trong trường hợp đặc biệt phải do Hội đồng mới thực hiện, những người đã tham gia giám định trước đó không được giám định lại. Kết luận giám định lại trong trường hợp này được sử dụng để giải quyết vụ án (quy định tại Điều 212 của Bộ luật tố tụng hình sự).
Về người giám định được quy định tại Điều 68, nêu rõ: Người giám định là người có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực cần giám định, được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu, người tham gia tố tụng yêu cầu giám định theo quy định của pháp luật. Việc thay đổi người giám định do cơ quan trưng cầu giám định quyết định.
Người giám định có quyền: Tìm hiểu tài liệu của vụ án có liên quan đến đối tượng phải giám định; Yêu cầu cơ quan trưng cầu, người tham gia tố tụng yêu cầu giám định cung cấp tài liệu cần thiết cho việc kết luận; tham dự vào việc hỏi cung, lấy lời khai và đặt câu hỏi về những vấn đề có liên quan đến đối tượng giám định; từ chối thực hiện giám định trong trường hợp thời gian không đủ để tiến hành giám định, các tài liệu cung cấp không đủ hoặc không có giá trị để kết luận, nội dung yêu cầu giám định vượt quá phạm vi hiểu biết chuyên môn của mình; ghi riêng ý kiến của mình vào bản kết luận chung nếu không thống nhất với kết luận chung trong trường hợp giám định do tập thể giám định tiến hành; các quyền khác theo quy định của Luật giám định tư pháp
Người giám định có nghĩa vụ: Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; giữ bí mật điều tra mà mình biết được khi thực hiện giám định; Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Giám định tư pháp.
Người giám định kết luận gian dối hoặc từ chối kết luận giám định mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.
Người giám định phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp sau: Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo; đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người phiên dịch, người dịch thuật, người định giá tài sản trong vụ án đó; Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó.
Câu hỏi khác
-
Xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm những quy định về phòng, chống tham nhũng (26/10/2023)
-
Quy định về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm quy định về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và phòng, chống tội phạm (26/10/2023)
-
Xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm những quy định về đầu tư, xây dựng cơ bản, kinh tế, tài chính, ngân hàng (26/10/2023)
-
Rửa tiền và quy định xử lý đối với tội rửa tiền (26/10/2023)
-
Xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm quy định về chống chạy chức, chạy quyền (26/10/2023)
-
Xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm quy định bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước (26/10/2023)
-
đảng viên vi phạm quy định quan hệ với tổ chức, cá nhân người nước ngoài (26/10/2023)
-
đảng viên vi phạm quy định trong kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán (26/10/2023)